Chúng ta hãy nhìn
lại con người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối
với người kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở
sẵn trong bản thân mình.
"Cuộc đời là những
mâu thuẫn”, ở đây tôi không nói những gì cao siêu lắm mà nói về những kinh
nghiệm sống của người Phật tử và người tu. Chúng ta sống như thế nào để cho
cuộc đời được an lành tự tại, không bị những đau khổ làm ray rứt, đó là chủ
yếu. Mới nghe qua rất lạ nhưng xét kỹ thì đó là sự thật. Bởi vì người Phật tử
tại gia cũng như người xuất gia luôn luôn có những thứ buồn phiền. Than tại sao
ở gia đình mình không có ý chí thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không
đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện như vậy hết.
Lý do gì mà có những buồn
phiền, những phàn nàn đó? Bây giờ chúng ta thử kiểm tra lại nơi bản thân, từ
thể xác cho đến tinh thần; và đi xa hơn là các quan niệm, những tổ chức, và
cuối cùng là làm sao thoát ra khỏi những mâu thuẫn ấy.
Chúng ta hãy nhìn lại con
người của mình. Ai cũng ngỡ rằng có sự mâu thuẫn là do người này đối với người
kia, hoặc người kia với người nọ, chớ không nghĩ cái mâu thuẫn đó ở sẵn trong
bản thân mình. Tôi nói theo Phật học, nhưng trong y học quí vị có thể nghiên
cứu để ứng dụng. Trong Phật học Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp gồm: đất,
nước, gió, lửa. Như vậy đất với gió không thuận, nước với lửa không thuận. Cho
nên những gì có sự chống trả nhau người ta thường nói như nước với lửa. Vậy
trong thân mình, gió với đất có thuận không? Quí vị thấy nơi nào có giông lớn
thì đất bụi bay tứ tung lên. Như vậy, trong thân con người khi nào lạnh phải
uống thức nóng cho ấm lại. Khi nào bị nóng phải uống thức mát cho dịu lại. Vì
nóng là lửa nhiều nước ít, còn lạnh là nước nhiều lửa ít, cho nên phải dung hòa
nó. Cái gì yếu phải nâng lên, cái gì mạnh phải kéo xuống, đây là chuyện làm của
bác sĩ.
Như vậy, trong sự sống
chúng ta phải làm sao trung hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau. Nếu
quá bên nào cũng đều sanh bệnh hết. Như gió với đất, cụ thể là người nào trúng
gió thì phải làm sao? Trúng gió là gió nhập nhiều, triệu chứng nó là đau rêm cả
người, nên gió mạnh thì đất rung rinh, vì vậy chúng ta phải đánh gió. Đánh một
hồi bớt gió thì người nhẹ, khỏe lại. Còn nếu ở lỗ mũi, cổ họng đất nhiều thì nó
mọc nhánh ra; phải đi cắt bỏ, nếu không sẽ bị nghẹt. Rõ ràng đất với gió luôn
luôn đối chọi với nhau, cái này trội thì cái kia bị ngăn trở. Vì vậy chúng ta
phải tìm cách điều hòa làm sao cho nó được quân bình. Như vậy, mang thân này chúng
ta thấy nó đang mâu thuẫn.
Trong nhà Phật dạy rằng,
chúng ta điều hòa thân này giống như ông chủ điều hòa bốn con rắn sống chung
trong một cái giỏ vậy. Nó luôn luôn thù địch nhau, muốn cho nó yên phải tìm
cách điều hòa, đừng để nó cắn mổ nhau. Nhưng điều hòa tới mức nào? Kết quả ra
sao? Cố gắng điều hòa, điều hòa tối đa, nhưng đến một lúc nào đó cái giỏ thủng
bể, thì mấy con rắn mạnh con nào con ấy chạy. Điều hòa giỏi như bác sĩ nhưng
cũng có ngày cái giỏ sẽ thủng, mấy con rắn cũng chạy. Nước chạy theo nước, gió
theo gió, lửa theo lửa, đất về đất. Không ai có thể điều hòa được suốt năm này
tháng kia cho tới năm bảy trăm năm được. Chỉ một giới hạn nào thôi. Như vậy
phần thân do đất, nước, gió, lửa nên có mâu thuẫn với nhau, còn nội tâm có mâu
thuẫn không?
Theo Duy thức học của nhà
Phật thì nội tâm chia ra các nhóm: nhóm Thiện tâm sở và nhóm Ác tâm sở. Thiện
và ác có lẫn trong tâm ta hết. Có khi sự việc gì xảy ra chúng ta bực tức nên
nói, làm quá trớn. Lát sau, Thiện tâm sở nó rầy, nói mình làm như vậy không đúng,
cho nên chúng ta bị ray rứt, tự mình thấy khó, tự mình thấy khổ, tức là chính
mình trừng trị mình rồi. Cái thiện răn cái ác, nhưng cũng có khi cái ác thắng
cái thiện. Như lẽ ra chúng ta không nói tiếng nặng với ai, không làm cho người
đau khổ, đó là tâm niệm của người tu. Vậy mà khi có điều gì làm mình nổi tức
lên thì Ác tâm sở quá mạnh, nó lấn lướt làm cho chú thiện trốn đâu mất. Chú ác
la lối một hồi, chú thiện mới trồi đầu ra thì chuyện đã rồi. Nên nói mình có
sẵn cái thiện mà cũng có sẵn cái ác. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có hai thứ
đó giằng co với nhau khiến cho chúng ta bất an hoài.
Thân chống đối, tâm chống
đối đều là mâu thuẫn cả, mà mâu thuẫn là gì? - Thuẫn còn gọi là cái khiên, mâu
còn gọi là cây giáo. Cho nên giáo đâm thì khiên đỡ, chỏi lại. Trong tâm chúng
ta sẵn sàng mâu thuẫn, thân chúng ta cũng sẵn sàng mâu thuẫn. Tự mình đã mâu
thuẫn thì sống với mọi người có mâu thuẫn không? Đó là điều không ai muốn,
nhưng làm sao được! Thân đã mâu thuẫn, tâm đã mâu thuẫn thì người khác cũng
vậy. Cho nên có hòa hợp là có chống đối, không bao giờ tránh khỏi điều đó. Như
vậy trong thể xác và tâm hồn chúng ta hai thứ đó luôn có sự mâu thuẫn.
Nói rộng hơn ở thế gian,
thế gian này có mâu thuẫn không? Trong thế gian người ta thường nói có khí âm,
khí dương. Âm với dương có chịu nhường nhau đâu! Dương nhiều thì nắng hạn khô,
còn âm nhiều thì mưa dầm dề. Âm dương lúc nào cũng chống chọi nhau, và cái nào
tăng nhiều cũng nguy hiểm. Như vậy âm dương ở thế gian cũng luôn luôn chống
đối, chớ không phải hoàn toàn hòa hết. Có sự bất thường tức là có sự chống đối.
Vì khí ở thế gian đối chọi nhau, luôn thay đổi cho nên ảnh hưởng tới con người,
ít ngày cảm, sổ mũi nhức đầu v.v… Rõ ràng con người, không gian bên ngoài, sự
sống trên mặt đất đều có sự chống đối, mâu thuẫn với nhau, chớ không phải lúc
nào cũng hoàn toàn an ổn. Về điện cũng có âm dương, điều hòa và sử dụng được sự
đối chọi của điện âm dương, các nhà khoa học ngày nay đã tiến bộ vượt bực. Các
công nghệ kỹ thuật phát minh không thể lường trước được là nhờ sử dụng được sự
chống đối của điện. Thế nên chúng ta không sợ sự mâu thuẫn của điện, chỉ sợ
mình không đủ khả năng điều hòa và sử dụng nó thôi.
Tới con người với con
người. Ở đây tôi nói giữa người nam với người nữ. Thường người ta bảo nam thì
cang, nữ thì nhu. Cang là cang cường, nhu là nhu hòa nên cũng là chỏi. Vì vậy
khi lập gia đình có chồng, có vợ thì cũng là sự chống chỏi; bên cang, bên nhu
làm sao mà giống. Cho nên vợ chồng thường hay cãi vã nhau cũng tại lý do đó.
Những gì người nam đề nghị thì người nữ không chịu, người nữ đề nghị thì người
nam không chịu. Như vậy mới thấy cuộc sống gia đình giữa nam nữ muốn được hạnh
phúc dễ hay khó? Đã là hai tánh chất không giống nhau thì làm sao dễ được. Quí
vị mới thấy cuộc sống luôn mâu thuẫn, không có lĩnh vực nào không có mâu thuẫn.
Vì vậy muốn cho cuộc sống trong gia đình được điều hòa thì phải hết sức khôn
khéo. Đó là tôi nói chuyện cá nhân giữa nam nữ, bây giờ nói tới tập thể.
Tập thể nào cũng có một
lập trường riêng, sanh hoạt riêng, chánh kiến riêng không giống nhau. Mà không
giống nhau tức là có chống nhau. Nên nhìn chung, tất cả từ bản thân tới con
người, gia đình, xã hội tất cả đều mâu thuẫn. Như vậy chúng ta sống làm sao
được an vui, làm sao được hạnh phúc mà ta cứ đòi hạnh phúc, đòi giống nhau
thôi. Nếu gia đình giống nhau thì phải là nam hết, chớ một bên cang, một bên
nhu thì làm sao giống nhau được. Vì vậy đối với cuộc sống này phải khéo léo,
khôn ngoan chớ không thể nào tưởng tượng được như ý mình. Ai nghĩ rằng những gì
mình đề nghị ra mọi người đều nghe, đều tuân theo hết thì đó là ảo tưởng. Chỉ
có mình đề nghị ra người ta phản đối nhiều hay ít vậy thôi, chớ không bao giờ
mọi người chấp thuận hết.
Hiểu như vậy rồi, chúng
ta phải làm sao cho cuộc sống được ôn hòa, được vui vẻ? Nói điều này tôi nhớ
những năm trước có người hỏi tôi: “Thưa Thầy, nếu có hai tập thể thù địch nhau
thì theo quan niệm của Thầy, phải làm sao cho hai tập thể đó được hòa hợp?” Tôi
trả lời rằng: “Có nước, có lửa thì có cơm ăn.” Câu trả lời đơn giản vậy thôi.
Quí Phật tử thử xét, thật ra người ta cứ sợ mâu thuẫn, nhưng không ngờ chính
cái mâu thuẫn là điều kiện để cho con người trong vũ trụ này có sự sanh hóa.
Nam không cũng không sanh được, nữ không cũng sanh không được. Muốn sự sanh hóa
được liên tục tốt đẹp thì người điều hòa phải khéo. Như chúng ta có nước mà
không có lửa, hay ngược lại có lửa mà không có nước thì có cơm ăn không? Phải
có nước, có lửa và người khéo dùng nước, dùng lửa để nấu thì có cơm ăn. Chớ
dùng nước để dập tắt lửa, hay dùng lửa đốt cho cạn nước thì không có cơm ăn.
Cho nên cuộc sống phải khéo điều hòa, nếu nặng bên nào cũng thất bại cả. Vợ
chồng trái nhau, không giống nhau, nhưng đừng để bên nào thiệt thòi mà phải có
cuộc sống vừa phải, không nên vì được phần mình mà mất lòng người thì gia đình
tan nát. Do đó chúng ta phải có cuộc sống hết sức khéo léo và đừng bao giờ chủ
quan. Nhất là bên nam hay chủ quan ta là phái mạnh, cái gì cũng bắt phái yếu
tuân theo, đó là điều không tốt, không khéo điều hòa. Đã không khéo điều hòa
thì mầm đau khổ sẽ nảy sanh, nên đừng để bên nào bị thiệt thòi thì cuộc sống
mới đi tới chỗ tốt đẹp, an vui, hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc trong
cuộc đời chỉ là hạnh phúc tương đối. Vì hạnh phúc ấy được kết hợp bởi hai thứ
không giống nhau thì làm sao trường cửu được. Phải gắng điều hòa nên cuộc sống
tạm an ổn, tạm vui, chớ không có hạnh phúc nào hoàn toàn như ý hết. Kể cả ông
vua cũng không như ý nữa, bởi vì Vua cũng có người chống, người phản lại chớ
đâu phải ai cũng nghe theo. Vì vậy chúng ta phải điều hòa để cho cuộc sống được
tốt đẹp. Như vì nồi cơm chúng ta phải điều hòa lửa, nước. Nhờ có điều hòa nước,
lửa nên chúng ta có cơm ăn ngon. Cũng vậy, trong cuộc sống khéo điều hòa thì
gia đình hạnh phúc, vợ chồng vui, con cái tốt. Đừng bao giờ nghĩ tưởng dùng thế
mạnh đàn áp người ta phải theo mình. Bởi vì khi người ta bị đàn áp họ phải tuân
theo, nhưng trong lòng họ không phục, thế nào có lúc họ cũng phản ứng lại thôi.
Cho nên khéo điều hòa quân bình thì mới tốt, mới là người sống khôn ngoan. Còn
mình giỏi, mình khôn rồi bắt người ta cũng theo mình thì đó là chưa thật khôn
ngoan. Đây là chuyện mâu thuẫn và điều hòa giữa con người, gia đình, xã hội.
Tôi nói điều hòa, vậy điều hòa bằng cách nào?
Phật dạy, muốn điều hòa
phải tập hai đức tánh: nhẫn nhục và
hỉ xả, tức là thế gian nói nhẫn nhịn và tha thứ. Muốn nhẫn nhịn và tha thứ thì
trước tiên chúng ta phải có cái nhìn thật đạo lý. Có lần tôi được hỏi rằng:
Thầy làm Phật sự có gặp những trở ngại do người khác tạo ra không? Tôi nói: Có!
Hỏi: Như vậy Thầy nghĩ sao về người gây trở ngại cho Thầy? Tôi trả lời: Trước
mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm
thôi.
Nhìn cuộc đời phải như
vậy. Những người đã thông cảm thì tốt với mình, còn những người tuy chưa thông
cảm nhưng họ cũng là bạn, chớ không có thù. Như vậy trong gia đình, vợ chồng
chẳng lẽ coi nhau như kẻ thù? Nếu có việc vui buồn xảy ra thì cũng nghĩ rằng
đây là người bạn chưa được thông cảm, rồi sẽ tìm cách thông cảm, chớ đừng bao
giờ coi như kẻ thù. Chẳng những trong gia đình mà kể cả mọi người bên ngoài,
chúng ta phải có cái nhìn cởi mở, thương yêu. Có thế mới giải quyết được nỗi
khổ của con người. Trên thế gian này tràn trề đau khổ bởi vì người mạnh cứ nghĩ
mình là hơn, rốt cuộc là gây đau khổ hoài. Hiểu được chúng ta mới thấy rằng
sống để đem lại an vui cho mình, cho người. Muốn được như vậy thì mình đừng xem
ai là kẻ thù hết. Đó là chúng ta biết sống, chúng ta khéo léo.
Quí Phật tử cũng thấy,
bao nhiêu năm rồi, người thì phê bình thế này, kẻ thì mắng nhiếc thế kia mà tôi
cũng cười thôi. Ai làm gì làm, vì họ chưa thông cảm, những người bạn chưa thông
cảm; nói gì thì nói, lâu rồi họ cũng thông cảm. Chớ nghe liền nổi tức la lối
với nhau, rốt cuộc rồi thành một đám cãi lộn, không có đạo đức gì hết.
Làm sao trong cuộc sống ở
gia đình chồng vợ biết nhịn nhau như vậy. Vợ chồng là bạn nên cần hòa vui, còn
nếu chưa thông cảm thì là người bạn chưa thông cảm, chớ đừng bao giờ nghĩ là kẻ
thù. Nếu thấy là kẻ thù thì dễ đi đến đổ vỡ tan nát.
Đó là lẽ thật, cuộc sống
từ cá nhân, gia đình cho tới tập thể, không bao giờ hoàn toàn đúng theo ý mình,
được chừng sáu mươi đến bảy mươi phần trăm là tốt lắm rồi, chớ đừng đòi hỏi
phải như ý hết. Những người đòi hỏi như vậy là hiểu sai lầm, không đúng lẽ
thật. Bây giờ làm sao để thấy người xung quanh chúng ta là bạn? - Phải tập nhẫn
nhịn. Bởi vì con người ai cũng có sẵn “Ác tâm sở” là nóng giận, đàn ông đàn bà
ai cũng biết giận. Khi mình nổi giận nói lời không phải thì người khác cũng nổi
giận nói lời không phải. Vậy thì làm sao? Cái phải về mình hết hay mỗi bên
nhường một chút. Chúng ta có tật hay cãi lý. Cãi cho ra lý mà lý nó không có
thật, thường thường lẽ phải ở kẻ mạnh chớ không thật lý. Cho nên đừng đòi hỏi
lẽ thật, chỉ có ai mạnh, ai được nhiều người bênh vực thì người đó phải. Còn ai
yếu, ít người bênh vực thì không phải. Ở đời là như vậy thôi.
Thời nay người ta dùng
“lá thăm”, dù người không hay lắm nhưng được lòng thiên hạ thì cũng được
“thăm”, còn người dù cho hay mà thiên hạ không hiểu cũng không được “thăm” như
thường. Đừng cho rằng những gì hay, những gì phải thì sẽ được. Chỉ khéo được
nhiều người mến, được nhiều người ủng hộ, hoặc đưa ra những gì đúng với sở
nguyện của họ thì họ hưởng ứng, họ theo mình. Ngược lại dù có đưa ý kiến đúng
mà họ không muốn thì họ cũng không theo như thường. Như vậy không hẳn nhiều
người khen là lẽ phải. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ rằng được nhiều người chấp nhận,
đó là lẽ phải. Không phải như vậy. Lẽ phải chân thật cần người có nhận định
thật sâu, chớ không phải thường. Được phần đông quần chúng theo thì trong đó đa
số là những người xu hướng thôi.
Chỉ chúng ta tùy thuận
với nhau, nhường nhịn nhau để mà sống. Đừng nói việc này phải, ai làm khác thì
sát phạt họ, nghĩ như vậy là không được. Người chồng thấy mình phải, người vợ
cũng thấy mình phải rồi đòi sát phạt nhau. Như vậy là có hai quan tài rồi.
Trong cuộc sống, chúng ta phải một phần, người kia phải một phần, thôi thì
nhường nhịn nhau cho nó tốt đẹp, đó là hạnh nhẫn nhục của đạo Phật.
Nhưng nếu nhịn nhau mà
không tha thứ, cứ nhớ lỗi người ta hoài thì điều hòa được chưa? Hôm nay nhịn
chớ mai mốt gặp việc cũng bùng nổ nữa. Đó là căn bệnh người ta hay chứa trong
lòng. Có ai làm phật lòng lần đầu ráng nhịn, mai mốt gặp nữa thì nói “tôi nhịn
lần thứ hai rồi nghe”. Như vậy không phải là điều hòa thật. Chúng ta nhịn thì
phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui. Nhịn mà không chịu quên cứ nhắc hoài.
Nhắc hoài thì người kia cũng sân lên, rốt cuộc không ai nhịn ai cả.
Vì vậy mong quí Phật tử
khéo nhẫn nhịn với nhau. Qua sự nhẫn nhịn đó chúng ta còn phải hỉ xả, nghĩa là
vui mà bỏ chớ đừng gượng bỏ. Bởi vì chẳng qua đều do khờ dại nên ta mới cãi vã
với nhau. Biết rồi thì bỏ hết đừng thèm giận hờn gì nữa. Chớ còn nghĩ mình
phải, kia quấy rồi ôm ấp, mai mốt gặp việc cãi lại nữa, rốt cuộc không hết khổ
đau.
Phương pháp nhẫn nhịn sẽ
đưa chúng ta tới chỗ an ổn. Nhẫn nhịn là khéo léo điều hòa ngọn lửa, đừng để
nước dập tắt lửa, cũng đừng để lửa đốt cạn nước. Ở gia đình, vì con cái nên vợ
chồng nhường nhịn nhau. Ngoài xã hội, vì một lý tưởng nào đó mà người ta phải
nhịn nhau. Trong đạo thì vì đạo đức cao thượng nên nhường nhịn nhau, tha thứ
nhau. Nhờ thế mà gia đình, tập thể mới thật có an ổn, thật có vui tươi. Nếu
không như vậy thì chẳng bao giờ có niềm vui được. Chồng với vợ gặp nhau gượng
nói chuyện chớ trong bụng không ai ưa ai, thì đó là nỗi khổ lớn nhất trong gia
đình. Ngoài xã hội cũng thế.
Do biết cuộc đời là mâu
thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hai hạnh: hạnh nhẫn nhục và hạnh hỉ xả.
Muốn được nhẫn nhục, hỉ xả, trước phải có tâm từ bi, thấy tất cả là bạn, không
có ai thù. Ba điều đó từ bi là trước, rồi nhịn sau, tha thứ nhau. Không có từ
bi thì không thể có nhẫn nhịn và tha thứ được. Cứ cho người làm trái ý mình là
kẻ thù thì không bao giờ chúng ta nhường nhịn. Cho nên đừng thấy ai là kẻ thù
cả, chỉ có bạn đã thông cảm và chưa thông cảm. Đó là tâm từ bi. Chính do tâm từ
bi nên chúng ta mới nhường nhịn, tha thứ nhau được. Chúng ta ứng dụng giáo lý
của Phật trong cuộc sống thì mình sống vừa có đạo đức, vừa được an vui trong
gia đình.
Đó là ba điều kiện để
chúng ta điều hòa sự mâu thuẫn. Tuy khó nhưng chúng ta phải ráng ứng dụng trong
cuộc sống, nếu không ắt sẽ chịu khổ thôi. Hiểu được vậy chúng ta mới biết sống
và sống có hạnh phúc, chớ đừng tranh phải quấy hơn thua thì không bao giờ hạnh
phúc. Đó là lẽ thật.
Tóm lại, muốn cho sự sống
tốt đẹp bình yên thì phải đủ ba điều kiện: từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả. Nói theo
thế gian là tình thương, nhẫn nhịn và tha thứ. Điều cấm kỵ nhất là đừng bao giờ
ôm ấp ảo tưởng rằng ai cũng tùng phục ta, chìu theo ý muốn của ta hết. Đó là
lầm to.
Kinh nghiệm trong cuộc
sống đã cho thấy, tôi sống chung quanh năm sáu trăm Tăng Ni, không bao giờ tôi
dám ảo tưởng rằng ai cũng giống hệt tôi và tôi nói ai cũng nghe. Có những điều
họ nói không vừa ý tôi, nhưng rồi tôi cũng bỏ qua, không có buồn. Chớ nếu mỗi
chút mỗi buồn thì chắc tôi chết sớm lắm. Thôi thì việc gì cũng bỏ qua, miễn họ
tu được là tốt.
Vì vậy quí Phật tử nhớ,
vợ chồng có gì trái ý nhau nên bỏ qua, miễn gia đình bình yên, con cái học hành
đàng hoàng, khôn lớn nên người là được rồi, những gì riêng tư thì bỏ qua hết.
Vì việc chung nên bỏ cái riêng thì sẽ được an ổn. Ở trong gia đình chẳng những
vợ chồng không giống nhau mà cha mẹ, con cái cũng không giống nhau. Muốn được
bình yên vui vẻ thì trên dưới cũng phải điều hòa. Cái khổ là cha mẹ không bao
giờ nhịn con. Con có chịu nhịn hay không chịu nhịn cha mẹ thôi, chớ cha mẹ
không bao giờ nhịn con, mà chắc gì cha mẹ đã trúng một trăm phần trăm. Bởi vì
người ta cứ cho rằng cha mẹ sanh ra con cái nên cha mẹ là bề trên, con cái
không có quyền cãi. Nhưng thật ra cha mẹ sanh là sanh thân thể thôi, chớ đâu có
sanh được tâm hồn. Tâm hồn con cũng có cái hay riêng của con nên cha mẹ cũng
phải nhịn. Như tôi là thầy, đâu thể nhịn trò, nhưng có khi thầy cũng bỏ qua. Bỏ
qua tức là nhịn rồi. Nhờ vậy tôi điều hòa được mấy trăm người, chớ nếu bắt như
mình mà người ta không được như mình, rồi đuổi đi hết thì thôi, chắc tôi cũng
sống một mình tôi. Hiểu được như vậy mới thấy nhờ chúng ta khéo điều hòa nên
mọi việc được tốt đẹp. Đây là phương pháp thứ nhất, phương pháp tương đối.
Bây giờ tới phương pháp
thứ hai là phương pháp tuyệt đối, phương pháp này ít người thực hiện được. Bởi
vì khi nào chúng ta dẹp được tâm đối đãi của mình; Tâm sở thiện, Tâm sở ác hết
thì chừng đó hoàn toàn khỏi nhẫn nhịn, khỏi tha thứ gì cả. Nên nói tuyệt đối là
vậy. Cũng như Lục tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không
nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ngay câu nói này Huệ
Minh liền nhận ra Bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục đó không có hai
bên, mà không có hai bên thì đâu còn mâu thuẫn. Không còn mâu thuẫn mới là vĩnh
viễn an lành. Đây chính là mục đích Phật nhắm đến để dạy chúng ta tu đạt được
giải thoát viên mãn.
Cũng như trong Tín Tâm
Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm.” Tin mình có cái Tâm
chân thật thì không còn hai. Không còn hai thì mới tin được Tâm chân thật của
mình, còn Thiện tâm sở và Ác tâm sở không phải thật tâm của mình. Một nhóm tham
lam và một nhóm hiền lành, hai nhóm đó lặng xuống thì mới hiển bày Tâm chân
thật của mình. Được Tâm chân thật rồi thì cười hoài, không cần nhẫn nhịn, không
cần tha thứ gì nữa. Nhưng nếu hai thứ đó còn thì phải từ bi, nhẫn nhịn, hỉ xả
cuộc sống mới yên. Chừng nào chúng ta thoát qua hai thứ đó mới được an ổn vĩnh
viễn. Quí vị thấy Tổ thứ ba, Tổ thứ sáu đều dạy chúng ta bỏ hai thứ đó. Bây giờ
gần nhất là Tổ Trúc Lâm, Ngài có bài kệ “Hữu Cú Vô Cú”, tức là “Câu Có Câu
Không”. Người còn thấy có, thấy không là còn thấy hai. Tôi tạm dẫn vài câu
trong bài kệ ấy:
Hữu cú, vô cú
Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm…
Tự cổ, tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm…
Nghĩa là thấy có thấy
không, từ xưa đến nay, như người chấp ngón tay mà quên mặt trăng. Ngón tay chỉ
mặt trăng mà cứ cho là mặt trăng chính tại đầu ngón tay. Đó là kẻ ngu xuẩn.
Phải bỏ ngón tay mới thấy mặt trăng ở trên kia. “Bình địa lục trầm”, tức là
trên đất bằng mà chết chìm, đây là chỉ cho những kẻ quá ngu xuẩn. Còn hai bên
là còn đau khổ, còn ngu xuẩn. Chừng nào hết hai bên mới được tự tại, an lành.
Nên phải hiểu quí thầy dạy Phật tử tu, ngồi thiền để làm gì? - Để bỏ cái tâm
chạy theo hai bên đó. Ngồi thiền thì nghĩ ác, nghĩ lành gì cũng bỏ hết để đi
tới chỗ không còn hai, khi đó mới hoàn toàn giải thoát. Còn có hai thì không
bao giờ giải thoát được. Do đó chúng ta mới hiểu ý nghĩa tại sao mình phải ngồi
thiền, tại sao mình bỏ hết tất cả vọng tưởng thiện, ác. Bởi vì còn thiện tức là
còn ác đối đãi, vì vậy phải buông cả hai thì tâm mới yên. Tâm yên đó mới là Tâm
chân thật, còn tâm nghĩ thiện nghĩ ác v.v… chưa phải là Tâm thật. Lâu nay chúng
ta cứ tưởng nó thật, giống như ngón tay chỉ mặt trăng mà chúng ta cứ cho đầu
ngón tay là mặt trăng. Không ngờ bỏ đầu ngón tay, nhìn tận chân trời mới thấy
mặt trăng, người tu phải khôn ngoan ở chỗ này. Bởi vì tu là siêu thoát. Siêu
thoát nghĩa là không kẹt trong đối đãi. Không đối đãi thì qua được các thứ mâu
thuẫn khổ đau, hoàn toàn an lành tự tại, cho nên mục đích cuối cùng của người
tu Phật là không còn thấy hai. Được vậy thì tự nhiên hết mâu thuẫn, không còn
gì mà chống đối.
Song nếu người chưa qua
khỏi hai bên thì phải tập tu từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả thì cuộc sống mới yên
lành. Bước đầu quí Phật tử nên tập từ bi, nhẫn nhục và hỉ xả trước cho cái mâu
thuẫn trong mình được điều hòa, cuộc sống được bình an. Lấy đây làm bài học thì
có thể nói nghe kêu một chút là có “một triết lý sống”. Vì lâu nay Phật tử sống
mà không biết sống làm sao, cho nên ai cũng nuôi cực đoan trong mình rồi mang
lấy đau khổ, kêu trời trách đất hoài. Nếu biết được lẽ sống như vậy thì cuộc
sống rất bình an. Nếu vượt qua luôn sự đối đãi thì thành Thánh mất rồi, không
nói Thánh cũng là Thánh, có việc gì phải buồn. Chúng ta còn thương người làm
lành thì ghét người làm ác, cho nên còn có hai tức là còn đối chọi. Chỉ khi nào
qua được hai bên mới hết mâu thuẫn. Ý nghĩa của đạo Phật cao siêu là vậy.
Buổi nói chuyện hôm nay
nếu Phật tử ứng dụng được trong cuộc sống thì thật là hay, bằng ngược lại thì
học Phật bao nhiêu cũng chẳng có ích lợi gì. Quí vị hãy nhớ câu này: “trước mặt
không có kẻ thù” thì cuộc sống được an lạc nhiều rồi đó. Đạo lý thật hay, nhưng
đôi khi tôi thấy rất buồn vì kể cả người tu cũng không thực hành nổi, cứ thù
người này, giận người kia. Người tu mà nói giận người này, thù người kia thì
chưa phải người tu. Người hiểu thấu đáo cuộc sống rồi thì chỉ cười thôi, không
có gì quan trọng hết. Khi đặt vấn đề quan trọng, có người hưởng ứng với mình
thì là bạn, không hưởng ứng trở thành thù. Cứ mãi như vậy thì phải chịu đau khổ
thôi.
Có nhiều người hỏi tôi:
“Thầy có thuật gì mà điều hòa mấy trăm Tăng Ni và nhất là bên Ni?” Tôi nói: Ai
đến thưa kiện người này sai, người kia trái, tôi đâu có xử, tôi bảo: thấy người
ta quấy thì mình cũng đã quấy rồi. Nhờ vậy không ai dám đến thưa kiện nữa. Quí
Phật tử có thấy thật tình là như vậy không? Vì chưa bao giờ hai người cãi nhau
mà có người chịu mình quấy cả, nhưng làm sao cả hai đều phải được! cho nên thấy
người quấy là mình đã quấy trước. Không quấy thì không cãi, mà cãi thì đã quấy.
Đây là kinh nghiệm, từ kinh nghiệm sống cho đến tu tập Phật dạy rất nhiều, nhưng
trọng tâm đều nằm ở những điểm đó. Nhiều vị sau này giảng một bài pháp dài mênh
mông mà chỉ toàn lý thuyết suông thì không đi tới đâu hết, phải có thuật sống
để cho người biết mà noi theo.
Điểm ưu việt của Phật
giáo đời Trần chính là chủ trương Tam giáo đồng nguyên. Thiền tông dung hợp chớ
không thấy đây khác kia để rồi đi đến chống chọi nhau. Do đó người trong nước
theo đạo Lão, đạo Khổng không chống với đạo Phật. Nhờ ba tôn giáo hòa nhau nên
dân mạnh, đó là điểm rất hay.
Tóm lại, mục đích buổi
nói chuyện hôm nay hết sức rõ ràng, tôi mong quí Phật tử nghe rồi áp dụng những
điều tôi nói vào cuộc sống cho khéo, cho đầy đủ ý nghĩa, mới thấy niềm vui hiện
tại - sống là vui.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét