Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Yếu tính thể nghiệm trong tôn giáo của đạo Phật từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo phát triển

imageTôi xin vào đề từ câu kinh: "Hãy trở về nương tựa mình và nương tựa pháp; ngươi là hải đảo, là nơi nương tựa của chính ngươi!" để làm tiền đề cho thảo luận này.
Từ suy niệm về bức thông điệp của thời đại mới
Tôi xin vào đề từ câu kinh: "Hãy trở về nương tựa mình và nương tựa pháp; ngươi là hải đảo, là nơi nương tựa của chính ngươi!" để làm tiền đề cho thảo luận này.

Chúng ta biết rằng, trong một bối cảnh lịch sử, khi mà phần lớn các tôn giaó đều chủ trương con ngươì và mọi hiện hữu trên thế gian này hoặc là tạo vật của Thượng Ðế, của Ðấng toàn năng vô hạn, của một Bản Thể Ðại ngã..., hoặc là phải chịu sự chi phối của một thế lực siêu nhiên vô hình nào đó, thì Phật giáo ngược lại, chủ trương con người là chủ nhân của tất cả. Mỗi con người là một thế giới, một vũ trụ, một hành tinh của các phạm trù đối lập: khổ đau và hạnh phúc, thiện và bất thiện...; và quan trọng hơn hết, mỗi người là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa của chính mình.Lời tuyên bố của bức thông điệp ấy qủa thật là phi thường. Vì đối diện trước nó, con người chỉ có thể hoặc là sống buông trôi theo dòng sinh tử bất tận, sống như kiểu: "Phận bèo đâu quản nước xa, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh" (Nguyễn Du); hoặc là - chủ động tái thiết cuộc đời dâu bể này thành một hành tinh cuả hạnh phúc thực thụ - Niết bàn trần thế hay "Tịnh độ nhân gian".
Thế nhưng trước hết, theo quan niệm thông thường, chúng ta biết rằng, đặc tính của con người là bất toàn. Do bất toàn mà con người luôn hướng về một Ðấng toàn thiện, hòng mong được cứu rỗi, được độ trì chở che. Và lúc bấy giờ, với một tâm thức như thế, hẵn nhiên, chỉ có kẻ trên cao mới có thể cứu người dưới thấp. Cũng như một người, khi đứng dưới đất thì không thể tự mình nắm tóc mình và nhấc mình lên khỏi mặt đất, nếu muốn được như thế, phải có một người khác ở trên cao làm nhiệm vụ cứu độ... Phải chăng xuất phát từ ý niệm đó mà con người luôn luôn đi tìm kiếm một đối tượng siêu nhân ? Và cũng từ đó, thay vì từ cứu độ theo trực nghĩa, được hiểu như là sự giúp đỡ lại biến thành học thuyết cứu độ, như cứu độ cho những linh hồn (Soul’s salvation) và cưu mang trong nó một thế giới của huyền học thần bí? Từ đó, khi con người càng trầm kha trong dục vọng khổ đau thì tâm thức của họ càng bị cuốn hút vào thế giới của các thế lực vô hình, ở đó khát vọng được cưú độ xuất hiện như là một trú xứ bình yên duy nhất mà con người khả dĩ nương tựa. Bởi lẽ, như đã nói, đặc tính của con người là tội lỗi và khổ đau; mà tội lỗi và khổ đau, bản chất của nó không gì khác hơn là sự bất lực, sự không vượt qua nỗi con người của chính mình- con người của khát vọng. Do đó, càng khát vọng thì càng khổ đau. Tất nhiên, khát vọng được đề cập ở đây là khát vọng được phát sinh từ tự ngã- cái tôi,cái của tôi, cái tự ngã của tôi. Và, phần lớn nhân loại đều / hoặc ra đi, hoặc trở về với cái tự ngã đó. Ðây là lý do tại sao Ðức Phật kêu gọi sinh linh của Ngài "hãy trở về nương tựa mình và nương tựa pháp".
Hẵn bạn đọc cũng hiểu rõ khái niệm trở về - tiếng gọi đầu tiên trong bức thông điệp của thời đại mới. Ðó là sự quay đầu trở lại, trước hết là với con người của chính mình và tâm thức của chính mình; và sau đó là trở lại với con đường Chánh pháp (nương tựa pháp).
Ở đây, con người xuất hiện như một thế giới phổ quát với đầy đủ các hiện tượng sai biệt đa thù, các đức lý thiện ác phân minh,và cho đến cả những phẩm tính siêu việt (như những con người đã chứng ngộ). Và Pháp xuất hiện như những chân lý, vừa mang tính hiện thực khách quan - chân lý công ước, lâm thời; lại vừa mang tính tuyệt đối - chân lý bất khả thuyết.
Từ đây chúng ta thấy rõ rằng, Ðạo theo Phật giáo là con đường qui ngưỡng về một nếp sống mà ở đó vai trò của Thượng Ðế không có mặt. Mọi trách nhiệm về khổ đau và hạnh phúc của đời người đều do con người phán quyết; và đều đáng chú ý nhất ở đây là định luật nhân qủa, một định luật mà đối với con người thì qủa thực là vô cùng khắc khe. Nhân quả ở đây chính là định mệnh hiện tiền của mỗi con người. Vì đó là nơi tích tụ của tất cả thiện nghiệp cũng như ác nghiệp của con người chính nó từ vô lượng kiếp quá khứ.Và tương lai của định mệnh đó như thế nào cũng tuỳ thuộc vào sự tạo tác của chính con người - định mệnh hiện tiền này. Như thế, sự trở về ở đây, trước hết là trở về với mọi trách nhiệm luân lý đạo đức, moị trách nhiệm trong cuộc sống tư duy và hành động, trong thể cách ứng xử giữa tự thân và tha nhân, giữa cá nhân và xã hội của mỗi con người. Thế giới này là bao la, đời sống tâm thức này là vô tận, do đó, sẽ không có bất kỳ một động lực tự nhiên hay siêu nhiên nào có thể ngự trị trong dòng sinh tử luân lưu, ngoài trừ định luật nhân quả. Nhân quả như một thứ trái khoán, mà một ngày nào đó nó phải được trả về cho trái chủ.
Trên một bình diện cao hơn, Ðức Phật dạy tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Nghĩa là cái hạt giống giác ngộ hay cái năng lực giác ngộ là năng lực tiềm ẩn, vốn có trong tâm thức của mọi chúng sinh. Do đó, trở về nương tựa mình chính là trở về với khả năng giác ngộ mà bao lâu con người đã lãng quên. Trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và chân lý, con người luôn luôn đóng vai trò trung tâm.Nghĩa là, khổ đau hay hạnh phúc là tùy thuộc ở cái nhìn của mỗi con người khác nhau. Nhưng quan trọng hơn hết, cội nguồn của hạnh phúc phải được khai phóng từ nguồn lực cá thể, tức là từ trong chiều sâu tâm thức của mỗi người, đó là một bản thể tâm thức bình yên nội tại, nó vận hành như một nguồn sinh lực uyên nguyên,như thác đổ, như suối nguồn, như đại dương mênh mông bao la không giới tuyến.Và cội nguồn hạnh phúc đó, người ta không thể cho nhau,và không thể vay mượn của nhau. Ở đây cần ghi nhận rằng,dù là hiện thực hay tiềm năng, thì cội nguồn hạnh phúc vẫn là yếu tố thường trực vốn có trong mỗi con người. Thực tế cho thấy rằng, đời sống của con người do không làm chủ được dòng vận hành của tâm thức, thân thể, môi trường vv... nên thường xuyên đối diện với hai ảnh tượng bất an đó là hy vọng và sợ hãi.Cho đến khi nào con người còn tìm kiếm hay nương tựa vào một nơi trú ẩn nào khác ngoài con người của chính mình thì khi đó đối tượng của sự bất an vẫn luôn luôn hiện hữu trong dòng sông tâm thức. Càng không làm chủ thì càng bị dao động. Càng bị dao động thì càng thao thức trong / hoặc hy vọng hoặc sợ hãi.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là yếu tố chánh pháp. Vì như đã đề cập, mặc dầu con người cũng như tất cả chúng sinh đều có khả năng thức tỉnh- giác ngộ.Song, do tính chất lầm lỗi(vô minh) và bất toàn nên cần phải được soi sáng bởi chánh pháp trong mọi thế cách của tư duy và hành động. Bấy giờ, Pháp đóng vai trò là con đường dẫn vào Ðạo.Và Pháp ở đây được cụ thể hóa như là cuộc sống giới định tuệ... hay nói khác hơn là chân lý như thật (Dharma) đối với con người, một thứ chân lý mà con người dù muốn hay không nó vẫn là như thế. Ðó chính là dòng nhân qủa hai chiều cuả thế gian (con người còn vô minh) và bậc xuất thế (con người giác ngộ) như được cụ thể hoá trong pháp thoại về Bốn Chân lý.
Nói tóm lại, trên căn bản của đời sống, con người cần phải làm chủ được hay ít ra là điều hành được cuộc sống tâm lý và vật lý của chính mình.Và xa hơn, trên con đường đi đến giác ngộ, mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, như lời Ðức Phật dạy: "Ngươi phải làm công việc của ngươi,vì Như Lai chỉ chỉ dạy con đường" (Dhp.XX). Hoặc là: "Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, không ai khác có thể là nơi nương tựa" (Dhp.XII. 4). Ðây chính là bức thông điệp của thời đại mới, một bức thông điệp không tiền khoáng hậu trong lịch sử tôn giáo và triết học Ðông phương mà cách đây trên 26 thế kỷ, Ðức Phật đã truyền trao cho loài người.
Ðến đời sống thể nghiệm tôn giáo trong kinh Lăng-già
Tôi xin vào đề từ câu chuyện của chúa loài Ràkshasa (La sát) như được giới thiệu trong kinh Lăng già. Chuyện kể rằng, sau khi thuyết giảng trong cung điện Long vương, Thế Tôn ra khỏi thất nhật định trong lúc chư thiên đang tán hoa tôn tụng Ngài. Lúc ấy, Thế Tôn mĩm cười, nhìn thành Lăng già, rồi Ngài dạy rằng:
"Các Như lai trong qúa khứ đã dùng chân lý này làm đề tài thuyết giảng tại thành Lăng già trên đỉnh Malaya, đấy là chân lý được chứng đắc từ trong chiều sâu của tâm thức, vượt ra ngòai tri thức lý luận của các triết gia, cũng như các trạng thái tâm thức của hàng Thanh văn, Duyên giác. Nay ta cũng thế, sẽ vì lợi ích của chúa loài La sát mà thuyết giảng chân lý này".
Lúc bấy giờ, do thần lực của Như Lai mà Ràvana, chúa loài La sát nghe được những lời ấy.Trong khi đó, Thế Tôn vừa ra khỏi cung điện Long vương, Ngài nhìn sóng biển và nhìn cả những giao động trong tâm thức của chúng hội vây quanh Ngài, rồi Ngài bèn nghĩ đến tâm thức alaya trong đó các thức đang sinh khởi và bị khấy động bơỉ ngọn gió đối đãi -phân biệt. Trong khi đang lặng yên trong định như thế, thì Ràvana trông thấy Ngài, liền vui sướng thốt lên rằng:
"Ta sẽ đến xin Thế Tôn vào thành Lăng già,vì suốt đêm nay Ngài có thể làm lợi ích, hoan hỷ cho chư thiên và loài người."
Ngay sau đó, Ràvana cùng với đoàn tùy tùng cỡi xe trời đến chỗ Thế Tôn, nhiễu quanh Thế Tôn ba vòng, rồi gãy đàn ngọc tôn tụng tán dương Thế Tôn bằng nhiều giai điệu khác nhau... Sau đó xin Thế Tôn tuyên thuyết thánh nghĩa của kinh Lăng già...
Thế Tôn nhận lời mời thỉnh của Ràvana, Ngài im lặng bước lên xe kết hoa, rồi các chàng nam tử ca múa nghinh tụng Ngài vào thành Lăng già. Tại đây, vì lòng từ vô lượng, Thế Tôn đã tuyên giảng thánh nghĩa về chân lý đưa đến chứng ngộ thâm sâu nhất bằng một loại âm thanh tuyệt hảo,làm rung động cả đất trời. Thế rồi bỗng dưng, Thế Tôn và các nam tử của Ngài biến mất trong hư không, chỉ còn lại chính Ràvana đang đứng nơi lâu đài của mình.
Ràvana tự hỏi: "Cái gì thế này? Sao lại thế này? Thế này nghĩa là gì? Ai đã nghe nhỉ? Ai đã thấy nhỉ? Thành quách đâu rồi? Những gì đã chợt thấy nhỉ ? Và Thế Tôn đâu rồi? Ta bị bụi trong mắt ư? Hay do khói hỏa luân mà ta thấy ra thế này?... "
Rồi Ràvana suy nghĩ: Ðây là bản chất như như (pháp tính) diệu dụng của tâm mà kẻ ngu si lẫn lộn bởi các hình tướng huyễn ảo nên không hiểu được. Kẻ nào thấy sự vật như đã từng thấy trước đây thì không thể thấy Phật; Ðức Phật tòan giác chỉ có thể được nhìn thấy nơi mà tự nó không hề biến đổi. Suy nghĩ như thế, chúa thành bỗng đạt đến một sự chứng ngộ sâu thẳm từ nội tâm (Paràvriti), ông đã trú vào cảnh giới thông tuệ vô phân biệt.
Bấy giờ giữa hư không bỗng có tiếng nói rằng: "Hãy tự mình biết lấy! Tốt lắm, hỡi chúa thành Lăng già! Tốt lắm, hỡi chúa thành Lăng già! Kẻ tu hành phải tu hành như ông vậy."
Có thể nói rằng, câu chuyện trên, như được ghi chép cụ thể trong chương thứ nhất của kinh Lăng già, là một cấu trúc điển hình của đời sống tư tưởng tôn giáo của đạo Phật. Mặc dù Lăng già được xem là một bộ kinh thuộc về tư tưởng Ðại thừa Phật giáo chính thống.Song, như đã thấy, những gì được nói ra ở đây đều được tập chú vào cái cơ cấu vận hành trong tâm thức của con người và cái tâm thức đó được xem như làđiểm trung tâm hay là cái trục chính yếu cho mọi sự cô kết của đời sống, biểu hiện hay không biểu hiện, đa thù hay nhất thể v.v...
Trong cái bản thể tự nội của tâm thức, như kinh trình bày, chúng ta thấy rõ khía cạnh của hai sự biểu hiện giữa một tâm thức đã đạt đến một sự an tịnh tuyệt đối- như tâm thức của Phật và một tâm thức lao xao bởi những làn sóng nhấp nhô phân biệt của chúng sinh. Cái bản thể của tâm thức nhất như thì không thay đổi - như là thể tính của nước, ngược lại, cái khác với nhất như thì luôn luôn biểu hiện như sóng gió ba đào, một thứ sóng gió biểu trưng cho những tập quán của tư duy của con người gắn liền với mọi sự đối đãi phân biệt như có và không, sinh và diệt, sai biệt và đa thù v.v... Ở đây, có một điều quan trọng cần nói đến là sự phân biệt. Phân biệt tự thân nó không phải là một tập quán xấu của tư duy, mà chính sự bảo thủ và bám viú vào các khái niệm phân biệt đã hình thành nên những chướng ngại lớn lao trong sự thăng hoa của đời sống tâm thức. Con người sẽ đánh mất tất cả sự thành kính, lòng thương yêu và cho đến cả cái hạnh phúc thực thụ của chính mình khi mà mọi thứ đều bị buộc chặt trong phân biệt không thể tự giải phóng ra khỏi các trật tự của khái niệm. cũng như trong yêu thương có khái niệm tình yêu, nhưng trái lại không ai có thể yêu thương bằng khái niệm hay trên khái niệm. Tình yêu thực thụ thì không có khái niệm .Khái niệm về tình yêu và tình yêu chính nó thì hoàn tòan khác nhau. Ðấy là lý do tại sao Ràvana tự nói rằng với chính mình rằng: "Kẻ nào thấy sự vật như đã từng thấy trước đây thì không thể thấy Phật; Ðức Phật toàn giác chỉ có thể được nhìn thấy nơi mà tự nó không hề biến đổi."
Một điều khác nữa cũng cần được bàn đến đó là tại sao trong đời sống thể nghiệm tôn giáo của đạo Phật luôn đòi hỏi một sự siêu việt lên trên mọi khái niệm phân biệt như lời ấn chứng từ trên không trung của Phật cho chúa loài La sát: "Hãy tự mình biết lấy! Tốt lắm, hỡi chúa thành Lăng già! Tốt lắm, hỡi chúa thành Lăng già! Kẻ tu hành phải tu hành như ông vậy."
Ở đây có hai con đường nhận thức một là nhận thức thông thường, hai là nhận thức trong thể nghiệm tâm linh. Nhận thức thông thường được xây dựng trên cơ sở phân biệt của các khái niệm,trái lại nhận thức theo xu hướng thể nghiệm tâm linh được bắt nguồn từ sự gội rửa mọi khái niệm phân biệt trong cách thế của nhị nguyên. Ðấy là một hướng đi ngược lại hoàn toàn. Trong viễn kiến của tự nhiên, con người trần thế luôn luôn khát khao đạt đến một kiến thức rộng lớn về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của con người cũng như thế giơí thực tại chung quanh con người bằng một trật tự lắp ghép của các khái niệm. Và thường những kiến thức đó gắn liền với một cái khung ngã tính, như đây là kiến thức của tôi, đây là sự hiểu biết của tôi v.v... Cái kiến thức thì đương nhiên là không có vấn đề gì để nói, dù lớn hay nhỏ, uyên bác hay nông cạn. Nhưng cái tôi trong kiến thức, trái lại, luôn luôn là một chướng ngại lớn lao trong đời sống thể nghiệm tâm linh. Vì như đã nói, khái niệm tự thân nó thì không gì khác hơn là những mẫu sơ đồ được phát họa bởi tâm thức trong tương quan. Bao lâu con người còn bị buộc chặt trong những mẫu sơ đồ như thế, nghĩa là tâm thức còn bị lệ thuộc vào trật tự của các khái niệm-ngôn từ, thì hẳn nhiên không làm sao mà lĩnh hội được những cái vượt lênể được thông hiểu bằng những biểu từ suông về nó, nên các ngôn từ không phải là thực tính tối cao. "Và, này Mahàmati, cái thực tính tối cao phải được đạt đến bằng sự chứng ngộ tự nội của Thánh trí." (Kinh Lăng Già, ch.XXXIII, tr.208, bản dịch của Thích Chơn Thiện & Trần Tuấn Mẫn, Nxb.Tp HCM, 1998)
Vả lại, như tôi đã nói ngay trong phần suy niệm về bức thông điệp của thời đại mới, sự thể nghiệm chân lý không phải là một bài học như kiến thức được trao truyền từ thầy qua trò, từ người này sang người khác; mà trái lại, hệ qui chiếu của nó luôn luôn hướng về vai trò của trách nhiệm cá thể, sự thể nghiệm cá thể, sự chứng ngộ cá thể. Ở đây hoàn toàn không hề có cái gọi là khuôn mẫu của sự chứng ngộ hay khuôn mẫu của sự thể nghiệm chân lý, mỗi người đạt đến sự thể nghiệm chân lý theo cái cơ hội và khả năng riêng biệt khác nhau. Ðiều này đã được chứng minh rõ ràng trong lịch sử chứng ngộ của đạo Phật. Ðấy là lý do tại sao Ðức Phật bảo Ràvana rằng: "Hãy tự mình biết lấy" và "kẻ tu hành phải tu hành như ông vậy."
Nói tóm lại, con đường thể nghiệm chân lý trong tôn giáo của đạo Phật từ truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy đến Phật giáo Phát triển luôn luôn đi theo một chiều hướng nhất quán, bất di bất dịch. Tuy nhiên, phương tiện thực hành của đời sống tôn giáo thì có muôn ngàn sự khác nhau, điều đó cũng như nước trăm sông đều đổ về biển cả, vậy thôi. Trên thực tế, bây giờ cũng là lúc chúng ta cần xác lập lại giá trị của sự thể nghiệm này trong mọi lĩnh vực của đời sống sinh hoạt tôn giáo, nếu không như thế, thì giá trị của tôn giáo sẽ bị xóa nhòa giữa bao trận chiến của quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội của những kẻ đội lốt tôn giáo, bên cạnh những niềm tin đang còn được ấp ủ trong mong manh hương khói.
Thích Tâm Thiện
Sài Gòn, 1999

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người theo dõi

Slider(BỂ KHỔ)

LIÊN KẾT

BẤM ĐÂY ĐỂ LIÊN KẾT>>>

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls
Blogger Gadgets