Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Văn hóa Phật


imageVăn hóa Phật là nền tảng đạo đức đặc trưng trong sinh hoạt nhân gian, bởi vì, đời sống của Đức Phật Thích Ca và các đệ tử của Ngài vốn sống giữa nhân gian, không mang tính chất của sinh hoạt thành thị hay một thế giới nào khác.

Bước chân vào một không gian tĩnh lặng và tìm lại những khoảnh khắc lắng động xóa tan mọi phiền muộn trong tâm hồn, là một thói quen đã gắn liền với cuộc sống của người con Phật khi đến chùa, và cũng là sự yên tĩnh, nhập tâm của mỗi người đang trở về với bản thể chân thực của mình.
Những giây phút cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, những giờ phút gánh nợ đời oằn oại đôi vai bỗng dưng như mất hẳn. Đây chính là động lực tỉnh ngộ thúc đẩy người học Phật trong tinh thần cố gắng vươn lên, để gây dựng, cội phúc cho mình, cho gia đình, cho những người chung quanh một ngày mai sáng đẹp.
Không gian cửa Như Lai không chỉ giúp cho người tu Phật hay đang bắt đầu học Phật có một trạng thái vắng lặng, thanh bình của nội tâm và một cảm giác tự do, mà còn là nơi ấp ủ nuôi lớn đời sống tâm linh của người học Phật qua từng chữ được ghi lại trong kinh điển.
Từ bảy bước chân và mỗi bước có hoa sen đỡ chân cho Thái tử Siddharta Gautama dưới gốc hoa Vô ưu, là biểu trưng cho một điềm xuất thế hiếm có của Bậc thánh nhân hay Hiền triết đã đạt được sự giác ngộ, và cũng là hình ảnh biểu đạt con đường đi đến sự tỉnh thức hoàn toàn qua bảy quá trình tu tập như sau : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát Thánh đạo.
Sau ngày thành đạo dưới cội bồ đề. Đôi chân trần đã ngược xuôi, suốt bốn mươi lăm năm thuyết giáo, khắp đó đây và trãi qua từng giai đoạn trong đời của Đức Phật Thích Ca, là những vết chân truy tìm chân lý cho đời bằng một gia tài pháp ngữ, không ngoài việc giải thích mục đích của cuộc sống, những hiện tượng bất công, sự bần cùng hóa của con người, trong xã hội và đưa ra những phương cách thực hành để đưa đến hạnh phúc thật sự.
Đức Phật Thích Ca đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản nguyên thủy trong Phật học có thể tóm tắt như sau : Sống đời đạo đức | Nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động | Phát triển sự hiểu biết và trí tuệ. Mở rộng lòng từ bi.
Từ những thực tế này mà nếp sống của người học Phật đã tạo ra một nền văn hóa giáo dục đề cao tính đạo đức ưu việt, để giúp cho những ai thích sống và tự rèn luyện bản thân của chính mình, trong cách học làm một con người có lý trí phân biệt thiện ác và có tự do hướng đến điều lành để làm lánh xa việc dữ.
Văn hóa Phật là yếu tố mang tính đạo đức có sự tương quan chặt chẽ ở bên trong đời sống của con người. Bởi vì khi những giá trị tinh thần và vật chất mang tính phổ biến hay cá thể của con người trong tiến trình phát triển đời sống xã hội còn bị tính tham, sân, si, chi phối, thì các đam mê tội lỗi sẽ kết quả đưa tới cái làm khổ cho bản thân mình cũng như cho người khác. Đây chính là cái vừa là tác nhân vừa là kết quả thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, mà luật nhân quả có phần diễn nghĩa rõ ràng trong tam tạng kinh điển nhà Phật.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy : "Muốn biết kiếp trước mình đã làm gì, hãy nhìn cuộc sống của mình hiện tại. Muốn biết kiếp sau mình sẽ ra sao, hãy nhìn việc mình đang làm hiện tại."
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca quả thực, là Ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ, bị quên lãng, trong khả năng trí giác thẩm thấu thật tánh của các pháp nhân sinh vũ trụ, sẳn có ở mỗi người.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca là một mối đan, nối kết, không lệ thuộc thời gian và không gian, áp dụng cho tất cả những ai đang tìm hay thực hành theo cách tự tu luyện của Ngài, qua tiến trình thâu gọn trong ba chữ : Giới, Ðịnh, Tuệ, và bốn chữ có thể tự thực hành được, như : Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca là một những phương pháp hướng dẫn cách sống đạo đức cho con người qua những trình độ tiếp nhận khác nhau, để đưa đến chân lý giác ngộ, giải thoát có mục tiêu thực tiễn rõ ràng trong sự bình đẳng.  
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca là học cách nhìn và cảm nhận sự vật đúng với con mắt thức tỉnh tức để chấp nhận và sống với cái thật của mình bằng chánh niệm.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca là thực hành theo bất cứ cách nào cũng sẽ đạt được mục đích đem Tâm, đến một trạng thái sáng suốt, quân bình, nhằm giúp cho Thiện pháp sẳn có trong thân tâm của mỗi người đang chờ sự tỉnh thức và quyết tâm của từng cá nhân, để có thể đi đến kết quả thấy biết như thật trong việc thành tựu đoạn trừ ái, thủ.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật Thích Ca không phải chỉ để giác ngộ mà là để hướng dẫn chúng sanh đạt đến cảnh giới an lạc. Tất nhiên không phải ai cũng đạt đến mục đích này một cách dễ dàng. Tất cả đều phụ thuộc vào sự nổ lực học Phật và sự tự rèn luyện của mỗi người. Nhưng bất cứ ai đã tình nguyện đi theo con đường này và thực hành một cách đúng đắn, thì chắc chắn sự lựa chọn này sẽ là một hành động thiết thực nhất, hoàn toàn hữu ích và cần thiết nhất cho toàn thể cuộc sống vô minh của chính mình cũng cho người.
Lời của Đức Phật Thích Ca nói là những cách sống thiết thực hiện tại, mang lại hạnh phúc, an lạc cho cuộc sống của mỗi người. Đức Phật Thích Ca cho thấy, người biết học Phật phải nhận ra con đường mà Ngài đã đi và đã đến. Đây là điều, mà bất kỳ một người tu tại gia, xuất gia, nam hay nữ nào, biết và thực hành theo Ngài, thì họ đều có quyền thành Phật.
Học Phật là một động từ, nói về sự tu hành Phật pháp và Phật học là một danh từ chỉ định cho toàn bộ những giáo lý Phật giáo.
Phật Học là một kho tàng pháp ngữ đồ sộ và chỉ có giá trị khi người học biết xử dụng một cách nghiêm túc.
Văn học Phật là bản chất của thuật ngữ, luôn luôn mang tính nhắc nhở, hướng dẫn tinh thần cho mỗi cá nhân, tự chiêm nghiệm, tự kiểm chứng, bằng những trình độ tu tập khác nhau, mà tìm ra phương cách dung hòa, hầu giúp cho mình và cho người có một cuộc sống tốt đẹp, trong gia đình và xã hội.
Văn hóa Phật là nền tảng đạo đức đặc trưng trong sinh hoạt nhân gian, bởi vì, đời sống của Đức Phật Thích Ca và các đệ tử  của Ngài vốn sống giữa nhân gian, không mang tính chất của sinh hoạt thành thị hay một thế giới nào khác.
Văn hóa Phật không phải là một vật phẩm bất biến, mà là một quá trình tương tác giữa những lời dạy của Đức Phật và người đang đi tìm đạo hay đang tu đạo của Ngài, thông qua ngôn ngữ trong sự kiến tạo xã hội của con người, luôn luôn biến chuyển theo luật nhân quả, sinh ra và diệt đi, không ngừng.
Văn hóa Phật có thể luôn luôn được hiểu theo nhiều cách, dựa trên phương diện thời gian, không gian, bao gồm : quá khứ | hiện tại | tương lai, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Văn hóa Phật là cái trọng tâm toàn diện bao la được thấy : Một là Tất cả và Tất cả là Một, mà Pháp giới duyên khởi có nói rất rõ từng chi tiết.
Văn hóa Phật là sự sáng tác của từng cá nhân góp lại, xuất phát từ nguồn cảm xúc của các hiện tượng đời sống, được miêu tả, phản ảnh trực tiếp bằng nhận thức, lý giải và thái độ sống động qua những lời Đức Phật đã dạy.
Nhờ vào những lời giảng truyền dạy bằng miệng ban đầu của Đức Phật Thích Ca nói mà các đệ tử của Ngài đã đúc kết lại thành giáo pháp bằng hệ thống văn tự cho đời sau.
Đạo đức và trí tuệ của Đức Phật Thích Ca dạy, được phát triễn theo những nhu cầu cần thiết của mỗi phong tục tập quán để thích nghi với những hoàn cảnh xã hội, bằng các nghi thức hay phương pháp tu tập khác nhau.
Phật pháp thâm sâu và bao la vô hạn, người con Phật phải nên cẩn trọng lắng nghe cho kỹ và lắng nghe thật nhiều, suy xét cho kỹ, thì hình bóng Phật sẽ luôn luôn sống động, trong từng hơi thở, từng tư tưởng, từng nhịp tim đập của chính mình.
Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân,
Kính bút
TS Huệ Dân
Website của TS Huệ Dân đang thực hiện : phathocvietnam.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người theo dõi

Slider(BỂ KHỔ)

LIÊN KẾT

BẤM ĐÂY ĐỂ LIÊN KẾT>>>

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls
Blogger Gadgets