Có người hình như không ăn Tết, nên Tết vừa đến thì tôi nhận
được Thư Ngõ điện tử của ban Vận động Chấn hưng Phật giáo (CHPG) đề ngày
28.01.2011, của bảy vị cư sĩ hữu tâm với nội dung khá rõ ràng, cụ thể và thiết
tha mời gọi chư Tôn Đức Tăng, Ni và những ai quan tâm đến sự tồn vong của
Dân tộc và Đạo pháp hãy tích cực trợ duyên bằng nhiều cách như vận động bạn bè
thân hữu ủng hộ, viết bài cho Tủ Sách Tôn Giáo, nhằm phục hưng Phật giáo sớm
được thành tựu.
Qua Thư ngỏ,
tôi nhớ đến hai câu đối trước chánh điện thờ năm vị Bồ Tát của một ngôi chùa người
Hoa ở California
mà tôi đã có dịp viếng thăm:
“Ngũ thánh đồng tâm
khai Tịnh độ
Thất chúng hiệp lực hộ Đạo tràng”.
Ý nghĩa câu đối
khuyên bảo bảy chúng đệ tử của Phật, phải đoàn kết chung sức chung lòng quyết
tâm ủng hộ và gìn giữ Đạo tràng mà chư Phật chư đại Bồ tát đã dày công sáng lập
ra.
Cũng từ Thư ngỏ và
hai câu đối đó, tôi lại nhớ đến các bậc Tiền bối hữu công ở đầu thế kỷ 20 đã
khởi xướng phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, như lời kêu gọi của một nhà báo, ông
Nguyễn Mục Tiên viết trên tờ “Đông Pháp thời báo” số 259, xuất bản ở Sài gòn
ngày 5.1.1927. Ông đã viết: “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” vì “trót một
thế kỷ nay, nòi giống ta đã bị một cái đại tôn giáo khác kia làm mất cả tinh
thần đức tính của ông cha ta, chia rẽ đồng bào ta ra… ta lẽ nào lại chưa tỉnh
ngộ, còn muốn rước thêm, chế thêm đạo mới”. Ông cho rằng người Việt Nam muốn mạnh
về đường tinh thần…nên vãn hồi lại lý tưởng cổ, tín ngưỡng cổ đã từng nuôi nấng
và xây dựng nên truyền thống đạo đức mấy đời ông bà ta, Phật giáo đã có công
gây dựng một phần lớn trong đấy. Ông đề nghị các nhà thức giả trong nước, nhất
là những gia đình có nhiều thế hệ sùng bái đạo Phật hãy mở cuộc điều tra về
tình hình tôn giáo ở nước ta và góp sức vãn hồi lý tưởng. Nếu ai có ý kiến nhằm
Chấn hưng Phật giáo, hãy mau đăng trên báo Đông Pháp. Bài báo của ông Nguyễn
Mục Tiên đã ảnh hưởng lớn đến cả ba miền Nam ,Trung, Bắc nước ta.
Ở Nam kỳ, Sư Thiện Chiếu ở chùa Linh sơn (Sài gòn) sau khi
đọc bài “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” của ông Nguyễn Mục Tiên trên Đông
Pháp thời báo, Sư đã hưởng ứng và viết bài “Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”
cũng đăng trên Đông Pháp Thời Báo số 532 ra ngày 14.1.1927. Với đề xuất ba điểm
cụ thể:
- Lập Phật học báo quán để truyền bá Phật lý, khi Phật lý
được vãn hồi sẽ xóa bỏ được những điều mê tín.
-Lập Phật gia công học để đào tạo ra những bậc hoằng pháp mô
phạm để truyền giáo về sau.
- Dịch kinh Phật ra tiếng ta để cho Phật giáo nước ta sau
nầy khỏi sợ thất nguyên.
Sư đề nghị: “Xin các nhà trí thức nước ta, ai có lòng muốn
Chấn hưng Phật giáo đứng ra tổ chức một cái hội Chấn hưng Phật học, liên hiệp
những người nào trong Tăng đồ đã biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình thì thi
hành ba cách trên”.
Ở Bắc kỳ, Sư ông Tâm Lai trú trì chùa Tiên Lữ, tục gọi là
chùa Hang làng Long Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên,
nhân đọc bài báo “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” của ông Nguyễn Mục Tiên,
Sư ông tâm đắc nên đã hưởng ứng và viết bài kêu gọi Chấn hưng Phật giáo đăng
trên tờ “Khai Hóa nhật báo” số 1640 ra ngày 16.1.1927 với một chương trình ba
điểm:
*Lập giảng đàn trong chùa.
* Mở các trường (sơ học yếu lược, sơ đẳng tiểu học) bên cạnh
các chùa, đón các thầy bên ngoài vào dạy, chỉ thêm mỗi buổi học 10 phút giảng
kinh Phật.
* Lập nhà nuôi trẻ khó, thu các người tàn tật đói khó vào
nuôi, dạy cho họ nghề nghiệp sinh nhai, làm nhà bảo cô dành cho các trẻ em mồ
côi và nuôi cho chúng ăn học.
Ở Sài gòn, HT. Khánh Hòa được tin ngoài Bắc có người khởi
xướng Chấn hưng Phật giáo có chương trình cụ thể, Ngài cử sư Thiện Chiếu ra Bắc
gặp các sơn môn ngoài đó để bàn chuyện thành lập Việt Nam Phật giáo hội, tháng
5.1927 sư Thiện Chiếu ra đến Hà nội yết kiến Tăng cang Đổ Văn Hỷ, sư cụ trú trì
chùa Bà Đá (Linh Quang tự) xin phép lên gặp sư ông Tâm Lai. Sư ông Tâm Lai và
sư Thiện Chiếu hai người ngồi với nhau một đêm mà không tìm được tiếng nói
chung (có lẽ vì sự dè dặt). Cuối tháng 5.1927 sư Thiện Chiếu trở về Nam, mang
theo một số tạp chí “Hải Triều Âm” có đăng chương trình Chấn hưng Phật giáo của
Trung Quốc do đại sư Thái Hư đề xuất. Trên đường về, sư ghé qua trường hương
chùa Long Khánh (Qui Nhơn) gặp H.T. Khánh Hòa và H.T Huệ Quang để báo cáo về
chuyến đi của mình. Từ đó phong trào bị chìm lắng một thời gian ngắn, mãi đến
ngày 26.8.1931, hội “Nghiên cứu Phật học Nam kỳ” mới được ra đời với tạp chí
“Từ Bi Âm”, và đến năm 1932-1933 phong trào CHPG Bắc kỳ mới được khởi động lại,
do lớp người trẻ hơn, năng động hơn, thực tế hơn. Đó là các sư ông Trí Hải,
Thái Hòa…và các cư sĩ như Lê Toại, Nguyễn Hữu Kha, Trần Văn Giác…
Ở Trung kỳ, năm 1932 tại miền Trung hội “An Nam Phật học” ra
đời, trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm (Huế) với những vị sáng lập, bên tăng có H.T.
Giác Tiên (viện chủ chùa Trúc Lâm)…bên cư sĩ có bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Tám…Hội
mở nhiều chi hội ở các tỉnh, quận, xã khắp cả miền Trung.
Phong trào CHPG qua bài “Ghi ân các bậc Tiền Bối Hữu Công
trong phong trào CHPGVN”của cố HT. Thích
Thiện Hoa đọc trong lễ kỷ niện lần đầu tiên tại chùa Ấn Quang Sài gòn. Toàn văn như sau:
Lời Nói Đầu
“Uống nước nhớ nguồn”, đó là lẽ thường tình của con người,
huống hồ là Phật tử. Hôm nay hàng Phật tử chúng ta đang sống trong hào quang
tươi sáng của Phật, trong một tổ chức có quy mô, trong một đường lối giáo dục
có phương pháp và trong một tinh thần thống nhất ý chí hành động. Đó là nhờ sự
gắng công thường xuyên, ý chí bất khuất của các bậc Tiền Bối trong phong trào
CHPGVN, 50 năm về trước của ba miền Nam, Trung, Bắc. Gần 100 năm về trước, quê
hương Tổ quốc của chúng ta bị người Pháp đô hộ, dân tộc ta và những gì mang
nặng dân tộc tính, có tinh thần quốc gia đều bị thực dân Pháp bóp chẹt. Phật
giáo Việt Nam nằm trong tình trạng ấy.
Nhưng không hẹn mà nên, 50 năm về trước, các vị Tiền Bối
cùng nằm trong một thời kỳ, cùng trong một hạnh nguyện, đã khởi xướng và đẩy
mạnh phong trào CHPGVN. Kết quả của nửa thế kỷ hoạt động trong chông gai, trong
sự khủng bố chèn ép nặng nề, nhưng cơ sở Phật giáo đã lan đến hạ tầng thôn xóm;
giáo lý nhà Phật không còn quanh quẩn trong các tự viện mà đã quảng bá sâu rộng
vào các tầng lớp dân chúng; phạm vi giáo dục Phật giáo không còn đóng khung ở
bậc lão thành mà đã đi vào thanh thiếu nhi Phật tử; nào trường Bồ đề; nào các
Phật học viện, rồi đến Đại Học Vạn Hạnh…Song song với công cuộc phát huy đời
sống tâm linh, lãnh vực hoạt động từ thiện xã hội như: cô nhi viện, ký nhi
viện…đã gây nhiều ảnh hưởng lớn lao trên toàn quốc.
Với những thành quả lớn lao như thế, chúng ta không thể
không nghĩ đến công đức của các vị Tiền Bối. Do đó Hội Đồng Viện Hóa Đạo đã
quyết định tổ chức hằng năm lễ kỷ niệm: “Ghi ân những bậc Tiền Bối hữu công
trong phong trào CHPGVN” vào ngày Phật thành đạo (mùng 8 tháng chạp) và bắt đầu
từ PL 2513 năm kỷ dậu (1970) tại trụ sở tạm chùa Ấn Quang Sài gòn.
Phương danh các bậc Tiền Bối Hữu Công trong phong trào
CHPGVN
Ở miền Bắc:
a. Bên tăng: HT. Thanh Hạnh, Tổ Vĩnh Nghiêm, HT. Tuệ Tạng,
HT. Mật Ứng, HT. Thanh Ất, HT. Trung Thứ, HT. Doãn Hà, HT. trụ trì chùa Hương
Tích, HT. Quang Nghiễm, HT. trụ trì chùa Phúc Thỉnh, HT. trụ trì chùa Quế
Phương, HT. trụ trì chùa Bộ La, HT.Thanh Triệu, HT. Tố Liên, HT. Trí Hải, TT.
Giải Ngạn, TT.Tuệ Chiếu…
Bên cư sĩ: Cụ Hoàng Trọng Phu, Cụ Nguyễn Năng Quốc, Cụ Thiều
Chữu, Cụ Bùi Kỹ, Cụ Dương Bá Trạc, Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Nguyễn Can Mộng, Cụ
Nguyễn Trọng Thuật, Cụ Phan Kế Bính, Cụ Lê Toại, Cụ Bùi Thiện Căn…
Ở miền Trung:
Bên Tăng: HT. Phước Huệ, HT. Phổ Huệ, HT. Tường Vân, HT.
Thiền Tôn, HT. Tây Thiên, HT. Trúc Lâm, HT. Từ Hiếu, HT. Trà Am… và các thượng
tọa Mật Khế, Quy Thiện, Đôn Hậu, Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Thủ, Mật Thể…
Bên cư sĩ: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Cụ Trí Độ, Cụ Hoàng
Mộng Lương, Cụ Chơn An Lê Văn Định, Cụ Tôn Thất Tùng, Cụ Nguyễn Khoa Toàn, Cụ
Võ Đình Dung… và các bà Cao Xuân San (Diệu Không), Bà Ưng Úy (Diệu Huệ)…
Ở miền Nam:
Bên tăng: HT. Khánh Hòa, HT. Huệ Quang, HT. Trí Thiền, HT.
Từ Phong, HT. Chánh Quả, HT. Chí Thiền, HT. An Lạc, HT. Nguyễn Chánh Tâm, HT.
Tâm Quang, HT. Huệ Thành, HT. Toàn Chơn, HT. Diệu Pháp, Yết Ma Nguyễn Văn Chức,
HT. Thiện Tâm…
Bên cư sĩ: Ô. Trần Nguyên Chấm, Ô. Huỳnh Văn Quyền, Ô. Phạm
Ngọc Vinh, Ô. Lê Văn Phổ, Ô. Nguyễn Văn
Cần, Ô. Trần Văn Khuê, Ô. Nguyễn Văn Nhơn…
Qua sơ lược một số sử liệu vừa nêu, cho chúng ta thấy rằng
CHPGVN là một truyền thống quý báu, yêu nước, mến đạo của dân tộc ta; chứ không
phải như một số ít người thiển cận hoặc cố tình xuyên tạc cho rằng: “Hô hào
CHPG lúc nầy là không đúng lúc, làm mất đoàn kết, do nhóm người quá khích, trẻ
người non dạ ngựa con háu đá…”
Viết đến đây, thì có anh Tâm Thành một người bạn đồng hương
đến thăm chúc Tết ngày mồng 3. Tâm Thành là Phật tử thuần thành, anh và tôi đã
từng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Chánh Thiện tại Quảng Trị từ 1954. Năm
nay Tâm Thành đã 75 nhỏ hơn tôi 4 tuổi. Anh là một trong những người ưa tranh
luận về giáo lý nhà Phật và đạo Thiên Chúa. Sau nhiều năm xa cách, hôm nay gặp
lại nhau trong dịp ngày Tết chúng tôi rất vui mừng và hào hứng nhắc lại những
bước thăng trầm của đất nước mà anh em chúng tôi cũng là chứng nhân lịch sử.Vừa
uống trà vừa mạn đàm thế sự. Bỗng Tâm Thành chuyển qua vấn đề Phật giáo, anh
hỏi: Anh Tâm Hòa thấy hiện tình Phật giáo nước nhà như thế nào?
- Bình thường thôi, mọi chuyện đều do nhân duyên sinh, thời
nào và ở đâu cũng vậy: có sinh thì có diệt, có tụ thì có tán, có thịnh thì có
suy, có người xây dựng thì có kẻ phá hoại. Ngay thời Phật còn tại thế cũng vậy,
có Phú Lâu Na thì cũng có Đề Bà Đạt Đa, ở Việt Nam mình cũng vậy có Thạch Sanh
thì cũng có Lý Thông…Tất cả mọi chuyện đều do nhân duyên sinh: cái nầy có thì
cái kia có, cái nầy sinh thì cái kia sinh, cái nầy diệt thì cái kia diệt. Thời Lý
Trần Phật giáo thịnh là nhờ có minh quân, trung thần hết lòng lo cho dân cho
nước, thì “đạo pháp huy hoàng, chúng Tăng thanh tịnh”; thời Phật giáo suy là vì
đất nước bị lệ thuộc vào ngoại bang gặp hôn quân, bạo chúa, nịnh thần ăn chơi
trác táng, làm cho đất nước suy vi dân tình đói khổ, thì “đạo pháp lu mờ, tăng
đồ khiếm tu thất học”, sĩ khí nhà Nho thì ươn hèn như gà gặp cáo “Sĩ khí rụt rè
gà phải cáo”, chính quyền thì tham quan ô lại hoang dâm trụy lạc, đến nỗi làm
cho nhà thơ yêu nước, Cụ Nguyễn Đình Chiểu phải la lên: “…ghét cay ghét đắng
ghét vào tới tâm, ghét đời Kiệt Trụ đa dâm, để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Cụ dùng văn thơ để
tồi tà hiển chánh: chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút
chẳng tà, Cụ xác định: “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không
thờ” và Cụ ưu ái khuyên bảo lớp thanh niên nam nữ: “Trai thì trung hiếu làm
đầu, gái thì tiết hạnh là câu trau mình.” Đứng trước tình hình đất nước ngửa
nghiêng như vậy, quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, huống hồ là Tăng Ni
phật tử ai nỡ điềm nhiên tọa thị. Tất nhiên, họ phải hô hào vận động CHPG.
Đúng rồi, Tâm Thành
nói: “Tôi còn nhớ vào những năm 1956-1963 gia đình o Liêm, người họ tôi sống ở
La Văng Thượng, bị người ta dụ cải đạo một cách tinh vi: dượng Hoán, chồng o
Liêm bị bắt vì người ta chụp mũ là VC nằm vùng. Rồi có người đến gợi ý o Liêm
nên lên nhà thờ xin Cha (linh mục) bảo lãnh cho dượng về, khi o đến xin Cha bảo
lãnh thì Cha rất tử tế, thân mật bảo: “gia đình con phải theo Chúa, Cha mới có
điều kiện để bảo lãnh.” Thế là gia đình o Liêm phải theo đạo Chúa! -Tôi rất
thông cảm, lúc bấy giờ không phải một mình gia đình o Liêm, mà có rất nhiều gia
đình cùng chịu hoàn cảnh như vậy. Đó là chuyện cũ, bây giờ năm mới chúng ta nên
nói chuyện mới đi. Đồng ý, nhưng chuyện mới gì đây? Hôm mồng 1 Tết có khai bút
mấy câu thơ chúc tết, bây giờ Tâm Hòa xin đọc để chúc tết Tâm Thành và bà con
Phật tử xa gần được chưa? Hoan nghinh! Lắng nghe, tôi xin đọc đây:
“Mỗi năm Tết đến một lần,
Bà con Phật tử xa gần chúc nhau.
Chúc nhau trăm tuổi sống lâu,
An khang thịnh vượng, sang giàu khắp nơi.
Thân tâm an lạc thảnh thơi,
Giáo lý nhà Phật rạng ngời năm châu.”
Còn nữa, vừa rồi tôi có nhận được bức Thư Ngỏ của ban vận
động, kêu gọi viết bài cho Tủ sách Tôn giáo nhằm CHPGVN. Nội dung bức thư ý
tưởng chân thành lời lẽ rất thiết tha mời gọi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử và
những ai quan tâm dến sự tồn vong của dân tộc và đạo pháp hãy tích cực đóng góp
cho Tủ sách sớm thành tựu. Sau khi trao đổi và phân tích, Tâm Thành nhiệt tình
hưởng ứng và hứa sẽ viết bài đóng góp cho tủ sách.
Mục đích bài viết nầy, chúng tôi muốn thỉnh cầu với chư Tôn
giáo phẩm, cùng các Nhà hữu trách đối với dân tộc và đạo pháp, cần khẩn trương
dẹp bỏ những dị biệt vụn vặt nếu có, nên đặt quyền lợi Quốc gia dân tộc lên
trên hết, cùng nhau đoàn kết cố gắng phục hưng và phát huy truyền thống lý
tưởng đạo đức cao đẹp của Tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Mà cụ thể là:
Tu chỉnh Hiến chương của Giáo Hội. Quy định tưổi và hạn kỳ
phục vụ của các nhân sự,
Trẻ trung và thanh tịnh hóa nhân sự Giáo Hội,
Đặt nhân sự đúng đối tượng,
Đào tạo và thành lập giảng sư đoàn lưu hành diễn giảng khắp
nơi để tín đồ Phật giáo hiểu rõ ý nghĩa lời Phật dạy. Và phòng chống cải đạo,
Tổ chức thi giáo lý cho chư Tăng Ni dưới 40 tuổi để bổ túc
kiến thức nội điển nếu cần,
Phổ biến giáo lý đến từng lớp quần chúng bình dân bằng băng
dĩa, truyện, sách báo phổ thông,
Lập tủ sách Phật học ứng dụng trong các chùa huyện, xả và
thôn xóm,
Về nghi lễ, nên thống nhất một bộ nghi thức bằng chữ Việt,
ngắn gọn cho hàng cư sĩ tại gia.
Phục hoạt các Gia
Đình Phật Tử, các đoàn Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Phật giáo để tránh nạn
tre già mà măng không mọc, hoặc mọc xiên xẹo,
10. Giúp đỡ các người
neo đơn, hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong các vùng sâu, vùng xa đô thị,
Chúng tôi nghĩ rằng nghi lễ, tụng kinh niệm Phật, thuyết
pháp đàm kinh, mõ sớm chuông chiều…không ngoài mục đích cảnh giác, tỉnh thức
những ai đang mê say trong biển khổ lợi danh, trong vực sâu tình ái, hãy mau
tỉnh thức cơn mê, quay về với trí giác để có cuộc sống hạnh phúc đích thực.
Đúng như mục đích của cặp câu đối mà chúng ta thường thấy in khắc ở các chùa:
“Mộ cổ thần chung, cảnh giác ái hà trần thượng khách,
Đàm kinh thuyết pháp, hoán tỉnh khổ hải mộng trung nhân.”
Hoặc như bài thơ “Sống” của người có tuệ giác dưới đây:
“Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười, với thử thách chông gai
Sống vươn lên, theo kịp ánh ban mai
Sống chan hòa, với những người chung sống
Sống là động, nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương, nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui, danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến, giữa dòng đời vạn biến.”
Sách Nho có câu: “lương dược khổ khẩu lợi ư bịnh, trung ngôn
nghịch nhĩ lợi ư hành”. Việt Nam mình nói: “Thuốc đắng chết tật, nói thật mất
lòng”. Trong bài viết nầy, ngôn từ có chỗ nào vụng về nghe chối tai, kính mong
chư vị niệm tình tha thứ cho. Xin chân thành cám ơn.
Ngày 17 tháng 2 năm 2011
0 nhận xét:
Đăng nhận xét