Chân thành cám ơn đạo hữu Thiện Thông đã đánh máy gởi bài
này cho Ban Biên Tập.
1) HỎI: Một tín
đồ Phật giáo trước hết phải hiểu và phải làm những gì?
ĐÁP: - Trước hết là phải hiểu rõ những điểm căn bản của Phật
dạy, thứ đến là phát lòng chánh tín Tam Bảo, cuối cùng là
2) HỎI: Vì sao
phải theo thứ tự ấy?
ĐÁP: - Vì phàm làm việc gì, phải hiểu mục đích của việc ấy.
Có thật hiểu mới phát long chánh tín và chí tâm thực hành để đem lại lợi ích
cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Phật dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta là
hủy báng Ta”.
3) HỎI: Những
điểm căn bản của Phật dạy là những điểm nào?
ĐÁP: - Không làm các điều ác. Siêng làm các điều lành . Giữ
ý nghĩ trong sạch.
4) HỎI: Thế nào
là ác?
ĐÁP: - Là những việc
làm, lời nói và ý nghĩ không hợp lý, hại mình, hại người cả trong hiện tại lẫn
tương lai.
5) HỎI: Thế nào
là thiện?
ĐÁP: - Là những việc làm, lời nói và ý nghĩ hợp lý, lợi
mình, lợi người cả trong hiện tại lẫn tương lai.
6) HỎI: Thế nào là ý nghĩ trong sạch?
ĐÁP: - Là ý nghĩ hợp với lẽ phải, không tham giận kiêu căng,
không ganh ghét đố kỵ, không gây hậu quả khổ đau cho mình và cho người. Ý nghĩ
trong sạch khi phát hiện ra nơi hành động thì hành động chân chính, khi phát hiện
ra lời nói thì lời nói hiền hòa, làm cho đời mình và đời người đều an vui tươi
đẹp.
7) HỎI: Làm lành
lánh dữ lẫn những điều mà bất luận Tôn giáo nào hay học thuyết nào cũng dạy,
đâu có riêng gì Phật giáo?
ĐÁP: - Vâng, đúng thế. Nhưng nói là một việc, còn thực hành
đúng như lời nói được hay không, lại là một việc khác. Đó là chưa nói đến sự
làm lành, lánh dữ ấy có hợp lý hay không, vì nếu người đề xướng lên một lý
thuyết mà chưa phải là một đấng giác ngộ chân lý thì lý thuyết ấy khó mà hoàn
toàn được.
8) HỎI: Bằng
chứng đâu để biết lý thuyết đúng và thực hành cũng đúng như lý thuyết?
ĐÁP: - Cứ xem lịch sử đời sống của vị Tổ sang lập Tôn giáo
và lịch sử truyền bá của Tôn giáo ấy thì biết.
9) HỎI: Đời sống
của Đức Phật như thế nào?
ĐÁP: - Nhất nhất phù hợp với lời Ngài dạy. Phù hợp một cách
hoàn toàn đến nỗi các học giả khảo cổ phương Tây khi mới nghiên cứu Phật giáo
tưởng Đức Phật là một nhân vật hoang đường không có thật trong lịch sử.
10) HỎI: Còn lịch sử
truyền giáo của Phật giáo?
ĐÁP: - Một lịch sử
trong trắng, chưa từng gây đau thương cho một dân tộc nào, chưa từng gây chiến
tranh với ai, dù được mệnh danh là Thánh chiến. Ngược lại, Phật giáo đến đâu,
hòa bình đến đó.
11) HỎI: Như vậy, ta
phải kết luận về Phật giáo như thế nào?
ĐÁP: - Đức Phật và
môn đồ của Ngài đã trải qua gần 26 thế kỷ là những gương sang của việc làm lành
lánh dữ.
12) HỎI: Nhờ đâu Phật
giáo giữ được trọn vẹn như thế?
ĐÁP: - Nhờ điểm đặc
biệt thứ ba: giữ ý nghĩ trong sạch. Ý nghĩ soi đường cho hành động, hướng dẫn
cho hành động; ý nghĩ đã trong sạch thì hành động tất nhiên phải thuần thiện.
13) HỎI: Như thế,
Phật giáo hẳn phải đặc biệt lưu tâm đến vai trò của ý nghĩ?
ĐÁP: - Đúng như thế. Thiên kinh vạn quyển hiện đương lưu
truyền đều dạy cách phân biệt thế nào là tư tưởng chân chánh, thế nào là tư
tưởng tà vạy; tám vạn bốn ngàn pháp môn tu hành đều nhằm mục đích gạn lọc ý
nghĩ cho trong sạch mà thôi.
14) HỎI: Muốn thực
hiện ba điểm chủ yếu trên, trước hết phải làm gì?
ĐÁP: - Phát lòng chánh tín Tam Bảo, vì trong Kinh dạy: “Tín
vi Đạo nguyên công đức mẫu” nghĩa là: “Tín là nguồn gốc của đạo, là mẹ đẻ của
phúc đức”.
15) HỎI: Thế nào là
chánh tín?
ĐÁP: - Là tin những điều chân chánh, hợp lý, có lợi ích
thiết thực, như tin gây nhân tốt sẽ hưởng quả tốt, nhân nào quả nấy như hình
với bong. Không tin những điều mơ hồ viển vông, không hợp lý và không lợi ích
thiết thực như tin ma quỷ thần quyền xằng bậy.
16) HỎI: Thế nào là
Tam Bảo?
ĐÁP: - Là ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
Phật là
tiếng gọi tắt chữ Phật Đà trong Phạn ngữ, chỉ những bậc Thánh nhân đã hoàn toàn
giác ngộ và nhờ đó đã hoàn toàn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trung
Hoa dịch là Giác giả
Pháp là
danh từ Trung Hoa dịch chữ Đạt Ma trong tiếng Phạn, chỉ giáo lý Phật, vì giáo
lý ấy thể hiện đúng đắn chân lý vũ trụ nhân sinh, dung làm khuôn vàng, thước
ngọc trong việc diệt trừ đau khổ tận gốc và đem lại an vui vĩnh viễn.
Tăng là
tiếng gọi tắt chữ Tăng-già trong Phạn ngữ, chỉ một đoàn thể từ bốn người trở
lên, tu theo giáo pháp Phật và sống theo tinh thần lục hòa; Trung Hoa dịch là
Hòa hiệp chúng.
Phật,
Pháp, Tăng là mục tiêu mà Phật tử phải nhắm đến.
17) HỎI: Vì sao gọi
Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi báu?
ĐÁP: - Thế thường cho vàng, bạc, ngọc ngà hay quyền cao chức
trọng là quý, nhưng thử hỏi khi gặp cảnh đời tang thương, dâu bể như giặc cướp,
tật dịch v.v… Các thứ ấy có làm vơi bớt nỗi khổ cho ta được không? Hay lại càng
gây thêm khổ lụy cho ta nữa? Đó là chưa nói vinh hoa phú quý có ngày tiêu tan,
vàng bạc ngọc ngà là vật nay tụ mai tán, chưa ai giữ được vĩnh viễn. Trong cõi
đời vô thường này, cảnh ông hóa nên thằng không phải hiếm. Duy có Phật, Pháp,
Tăng mới thường trú, thường an vui, thường chân thật, thường thanh tịnh và
thường cứu vớt ta mà không phân biệt thân sơ thù bạn. Vì bốn đức Thường, Lạc,
Ngã, Tịnh và đại nguyện độ sinh ấy nên gọi Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi báu.
18) HỎI: Chánh tín Tam
Bảo có lợi ích gì?
ĐÁP: - Lợi ích chánh
tín Tam Bảo không thể nói hết và cũng không thể nghĩ bàn được.
19) HỎI: Xin nói một
vài lợi ích của sự chánh tín Phật?
ĐÁP: - Trong Kinh nói: “Chư Phật trong mười phương, thương
nhớ chúng sinh như mẹ thương nhớ con”. Mẹ thương nhớ con như vậy, nên nay con
đáp ứng lại lòng thương vô biên của mẹ, đặt hết tin tưởng vào vị trí sáng suốt
vô lượng của mẹ, thì khác nào như người đi đêm mà có đuốc soi đường, qua nơi
nguy hiểm mà có người dìu dắt, không còn lo lắng sợ hãi gì nữa?
20) HỎI: Còn lợi ích
chánh tín Pháp?
ĐÁP: - Phật dạy hễ
tạo nhân lành thì hưởng quả tốt, tạo nhân dữ thì chịu quả xấu. Luật nhân quả là
một luật xác thực. Phật lại dạy: “Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành” nghĩa
là đều có khả năng thành Phật. Vậy nếu tin và thực hành đúng lời Phật dạy, nhất
định sẽ hết mê được ngộ, hết khổ được vui.
21) HỎI: Giáo pháp
Phật dạy chỉ có chừng ấy thôi sao?
ĐÁP: - Còn nhiều, rất nhiều. Nhưng chung quy cũng không
ngoài nhân quả.
22) HỎI: Lợi ích của
chánh tín Tăng như thế nào?
ĐÁP: - Tăng là những vị thay Phật tiếp tục công việc giáo
hóa giống như Phật đã làm lúc còn tại thế. Đã thay Phật thì Tăng tức là Phật.
Về mặt gây phúc đức, lợi ích chánh tín Phật như thế nào thì lợi ích chánh tín
Tăng như thế ấy.
23) HỎI: Khi đã phát
lòng chánh tín rồi, phải làm gì nữa?
ĐÁP: - Phải quy y Tam Bảo
24) HỎI: Thế nào là
quy y?
ĐÁP: - Quy nghĩa là quay về; y nghĩa là nương tựa. Chúng
sinh vì mê lầm nên bị dục vọng lôi cuốn, khiến bị chìm đắm trôi lăn mãi trong
biển khổ luân hồi, không nơi nương tựa, khác nào đứa con hoang mải mê theo
tiếng gọi giang hồ du đãng , lăn mình vào gió bụi, nếm đủ mùi chua cay, nay
bỗng giác tỉnh, muốn chấm dứt cuộc sống ba đào trôi nổi, quay về với quê hương
xứ sở để tìm chỗ nương tựa, nên gọi là quy y.
25) HỎI: Thế nào gọi
là quy y Phật bảo?
ĐÁP: - Là quay về nương tựa Đức Phật, thờ đức Phật làm thầy,
thề suốt đời không thờ trời thần quỷ vật.
26) HỎI: Thế nào là
quy y Pháp bảo?
ĐÁP: - Là quay về nương tựa giáo lý Đức Phật, lấy giáo lý ấy
làm đuốc soi đường, thề suốt đời không nghe lời dụ dỗ của tà ma ngoại đạo
truyền bá giáo lý quàng xiên.
27) HỎI: Thế nào gọi
là quy y Tăng Bảo?
ĐÁP: - Là quay về nương tựa Tăng-già, xem Tăng-già như Phật
còn tại thế, đủ nêu gương đáng cho ta bắt chước noi theo, thề suốt đời không
thân cận bạn hữu xấu xa bè lũ độc ác.
28) HỎI: Nghe nói có
vô lượng chư Phật trong mười phương thế giới, vậy nên thờ Đức Phật nào hơn?
ĐÁP: - Đã là giác ngộ như nhau thì Đức Phật nào cũng có trí
tuệ viên mãn như nhau và thương xót chúng sinh như nhau. Nhưng tùy theo cơ cảm
chúng sinh có cơ duyên với Đức Phật nào hơn thì thờ Đức Phật ấy, như người tu
Tịnh Độ thì thờ Đức Phật A Di Đà, người tu Mật tong thì thờ Đức Phật Đại Nhật
v.v… Nhưng nếu thờ Đức Phật Thích Ca thì đầy đủ hơn cả, vì Ngài là giáo chủ cõi
Ta Bà chúng ta trong hiện tại.
29) HỎI: Ngài là nhân
vật có thật trong lịch sử hay chỉ nghe truyền thuyết nói lại?
ĐÁP: - Ngài là một nhân vật lịch sử, ra đời cách đây trên
2500 năm, tên là Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da ở nước Ca Tỳ
La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ (nay là nước Népal). Năm 19 tuổi, sắp nối ngôi vua
cha thì Ngài xuất gia cầu đạo, 30 tuổi thành Chánh Giác dưới gốc cây Tất Bát La
tức cây bồ đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi thành Phật, Ngài thuyết
pháp khắp xứ Ấn Độ, cứu độ vô lượng chúng sanh thoát ly đau khổ, 80 tuổi nhập
diệt tại rừng Sa La Long Thọ trong lãnh thổ nước Câu Thi Na. Giáo lý Ngài dạy
như thế nào thì đời Ngài thực hành y như thế.
30) HỎI: Giáo lý ấy
hiện còn đầy đủ không?
ĐÁP: - Còn giữ nguyên vẹn, gồm đủ ba tạng Kinh, Luật, Luận
và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, Trung Hoa đã dịch đầy đủ ra tiếng Hán văn
từ lâu, gọi là Đại Tạng Trung Hoa. Việt Nam ta chỉ mới bắt đầu dịch một số
thôi. Giáo lý ấy, tiếng Phạn gọi là Đạt Ma và Trung Hoa dịch là Pháp đấy.
31) HỎI: Còn
Tăng-già, vì sao Trung Hoa dịch là Hòa hiệp chúng?
ĐÁP: - Vì chữ Tăng-già trong tiếng Phạn, chỉ cho chúng đệ tử
của Phật từ bốn người trở lên sống hòa hiệp với nhau theo tinh thần lục hòa:
Thân hòa đồng trú: thân hòa hiệp, ăn ở như nhau.
Khẩu hòa vô tránh: miệng hòa hiệp không tranh cãi nhau.
Ý hòa đồng duyệt: ý hòa hiệp, thuận thảo với nhau.
Giới hòa đồng tu: cùng nhau đồng giữ giới.
Kiến hòa đồng giải: cùng chỉ bày kiến giải cho nhau.
Lợi hòa đồng quân: cùng san sẻ lợi lộc như nhau.
32) HỎI: Không quy y
Tam Bảo có hại gì không?
ĐÁP: - Có rất nhiều điều hại. Trước tiên là không được dịp
thân cận Tăng để được chỉ bày, bảo ban phương pháp tu hành theo con đường
chánh; thứ là không được thân cận Pháp để tìm hiểu và phân biệt chánh tà chân
ngụy; sau hết là không được gây được thiện duyên với Phật để mong Phật cứu độ.
Trong Kinh dạy: Không quy y Phật thì sẽ đọa địa ngục; không quy y Pháp thì sẽ
đọa ngạ quỷ; không quy y Tăng thì sẽ đọa súc sinh.
33) HỎI: Vì sao vậy?
ĐÁP: - Vì nguồn gốc của đau khổ luân hồi là tham, sân, si.
Không quy y Phật, không bắt chước đức từ bi của Phật thì sân hận mỗi ngày mỗi
tăng, mà sân hận là nguyên nhân của địa ngục. Không quy y Pháp, không tìm hiểu
Chánh pháp, để phân biệt chánh tà, thì tham lẩn dễ dấy, mà tham lẩn là nguyên
nhân của ngạ quỷ. Không quy y Tăng, không có gương thanh tịnh hiền hòa cho ta
bắt chước và không người chỉ lối đưa đường cho ta tránh ác làm lành, thì si tâm
càng ngày càng dày đặc thêm, mà ngu si là nguyên nhân của súc sinh.
34) HỎI: Muốn quy y
Tam Bảo phải làm như thế nào?
ĐÁP: - Tìm một vị tu hành giới hạnh trang nghiêm, học thức
uyên bác, thay mặt chúng Tăng bạch Phật làm lễ truyền thọ ba pháp quy y trước
điện Phật. Trong lúc nghe ba pháp quy y thì long mình nhất tâm hướng về Tam Bảo
và thiết tha, phát nguyện giữ ba pháp ấy trọn đời, dù gặp hoàn cảnh nào cũng
không biến đổi. Như thế lễ quy y mới thành tựu.
35) HỎI: Tin Phật mà
chưa quy y có được gọi là Phật tử không?
ĐÁP: - Chỉ bắt đầu từ giờ phút nhất tâm thọ trì ba pháp quy
y trước điện Phật, do các vị tu hành thanh tịnh truyền thọ mới chính thức là
một Phật tử, hay nói đúng hơn, một Ưu Bà Tắc hoặc một Ưu Bà Di.
36) HỎI: Ưu Bà Tắc,
Ưu Bà Di là gì?
Đ ÁP: - Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di là tiếng Phạn; Trung Hoa dịch là
cận sự nam, cận sự nữ hoặc dịch là thiện nam, tín nữ. Là những người đàn ông
hay đàn bà gần gũi Tam Bảo, phụng sự Tam Bảo và được Tam Bảo luôn luôn hộ trì.
37) HỎI: Thọ trì Tam
Quy rồi, người Phật tử có cần làm gì khác nữa không?
ĐÁP: - Trên con đường hướng đến mục tiêu Tam Bảo; Tam quy
như hai mắt, Ngũ giới như hai chân. Mắt ngước nhìn mục tiêu nhưng đồng thời
chân phải cất bước mới mong đạt được mục tiêu ấy. Ngũ giới là bước đầu của địa
vị Thánh hiền.
38) HỎI: Ngũ giới là
những gì?
ĐÁP: - 1. Không sát
sinh.
2. Không
trộm cắp.
3. Không
tà dâm.
4. Không
nói dối.
5. Không
uống rượu.
39) HỎI: Thế nào
là không sát sinh?
ĐÁP:
- Không manh tâm hoặc không giết hại
sinh mạng, dù cho sinh mạng ấy là loài vật, vì chúng cũng biết đau khổ như ta.
Trái lại, còn phải luôn luôn tôn trọng và cứu sống sinh mạng của muôn loài. Tội
ác lớn không gì bằng giết hại; công đức lớn không gì bằng cứu sống.
40) HỎI: Thế nào
là không trộm cắp?
ĐÁP:
- Không trực tiếp hay gián tiếp phỉnh
gạt để lấy của của người. Họa hoạn lớn không gì hơn bằng tham lam, phúc báu
không gì hơn bố thí.
41) HỎI: Thế nào
là không tà dâm?
ĐÁP: -
Không lang chạ với vợ người, chồng người, hoặc với người không phải vợ mình,
chồng mình. Trái lại, cần phải đoan chánh, trinh lương với tất cả những người
khác phái.
42) HỎI: Thế nào
là không nói dối?
ĐÁP: -
Không nói lời độc ác, không nói lời thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời
gian trá, như có nói không, không nói có. Trái lại, phải nói lời chân thật ngay
thẳng hiền hòa, lợi mình lợi người.
43) HỎI: Thế nào
là không uống rượu?
ĐÁP: -
Rượu là thứ làm loạn tinh thần, làm mất trí tuệ. Trong hiện tại, rượu là nguyên
nhân sinh ra nhiều tật bệnh; trong tương lai, rượu là nguyên nhân của ngu si mờ
tối. Trong Kinh ví rượu dữ hơn thuốc độc. Mục đích người Phật tử là tu tập trí
tuệ, phát huy trí tuệ để tìm hiểu sự thật thì tuyệt đối không được uống rượu.
Ngoài ra, cũng không được dùng các thứ kích thích thần kinh khác như thuốc
phiện và các đồ gia vị như hành hẹ, nén, tỏi v.v…
44) HỎI: Công
dụng thiết thực của ngũ giới là gì?
ĐÁP: - Tạo
nên những con người có tư cách, có nhân phẩm, được mọi người kính yêu. Trong
gia đình, là cha hiền, con thảo, ra quốc gia, đó là người dân tốt. Nếu toàn thể
nhân loại giữ được năm giới cấm thì xã hội an lạc, thế giới hòa bình.
45) HỎI: Giữ một
lần cả năm giới e khó chăng?
ĐÁP: -
Người giữ trọn năm giới gọi là toàn phần Ưu Bà Tắc (nếu là đàn ông) hoặc toàn
phần Ưu Bà Di (nếu đàn bà). Người chỉ giữ được hai giới gọi là thiểu phần Ưu Bà
Tắc hoặc thiểu phần Ưu Bà Di. Người giữ được ba giới gọi là bán phần Ưu Bà Tắc
hoặc bán phần Ưu Bà Di. Người giữ bốn giới gọi là đa phần Ưu Bà Tắc hoặc đa
phần Ưu Bà Di. Nếu chưa đủ sức giữ trọn năm giới thì chọn lấy hai giới mà mình
nghiệm có thể giữ được để phát nguyện thọ trì. Về sau quen dần sẽ phát nguyện
thọ trì thêm cho đủ năm giới.
46) HỎI: Nếu
không thọ trì được giới nào cả thì sao?
ĐÁP: - Chả
lẽ một Phật tử đã quy y rồi mà vẫn còn giữ nhiều tính độc ác xấu xa sao!
47) HỎI: Phát
nguyện giữ giới, những bất đắc dĩ hoặc vô tình phạm phải thì làm thế nào?
ĐÁP: - Sám
hối trước Tam Bảo và nguyện không tái phạm. Điều cốt yếu là trong khi sám hối,
lòng mình có tự thấy xấu hổ và thành thật ăn năn thì tội lỗi mới tiêu tan và
giới thể mới trở lại thanh tịnh như khi chưa phạm.
48) HỎI: Chỉ giữ
đúng năm giới cấm mà không quy y Tam Bảo có được không?
ĐÁP: - Quy
y Tam Bảo là chánh kiến, thọ trì năm giới là chánh giới. Kinh dạy chánh kiến
quan trọng hơn chánh giới; nếu chỉ giữ năm giới cấm mà không quy y Tam Bảo,
tương lai tuy vẫn hưởng thọ phúc báu giàu sang trong cõi trời hoặc cõi người,
nhưng vì không được Tam Bảo hướng dẫn thì không khéo phúc báu càng cao đọa lạc
càng sâu.
49) HỎI: Quy y
Tam Bảo và thọ trì năm giới rồi, có nên khuyên người khác làm như mình không?
ĐÁP: - Đó
là một công đức rất lớn. Khuyên thêm được một người quy y, giữ giới tức là bớt
cho xã hội một sự xấu xa đau khổ. Kinh dạy: “Trong tất cả sự cúng dường, cúng
dường Chánh pháp là hơn hết” mà cúng dường Chánh pháp tức là mình sống đúng với
Chánh pháp và khuyên người sống theo Chánh pháp vậy.
50) HỎI: Như
trên kia nói chánh tín là tin nhân quả, vậy nhân quả là gì? Và có liên quan gì
với năm giới không?
ĐÁP: - Rất
liên quan với nhau. Nhưng trước hết hãy tìm hiểu nhân quả là gì đã.
Nhân là
nguyên nhân, như cái mầm cây trong hột; quả là kết quả, như cái trái trên cây.
Trái do mầm sinh ra và mầm nào sinh trái nấy, không lẫn lộn được. Mầm cây ngọt
sinh trái ngọt, mầm cây đắng sinh trái đắng. Luật nhân quả nào không do một hay
nhiều nguyên nhân sinh, mà đã có nguyên nhân tất nhiên phải có kết quả. Luật
nhân quả chi phối toàn thể cuộc sống và bao trùm khắp vũ trụ. Không có cái gì
thoát ra ngoài luật nhân quả được. Ngay giáo pháp vĩ đại của Phật cũng chỉ
thuyết minh lý nhân quả mà thôi.
51) HỎI: Còn
liên quan giữa luật nhân quả và năm giới?
ĐÁP: -
Không sát sinh, trái lại còn phóng sinh, đó là nguyên nhân của quả sống lâu vô
bệnh. Không trộm cắp, trái lại còn bố thí, đó là nguyên nhân của quả giàu sang
bền vững. Không tà dâm, đó là nguyên nhân của quả sum vầy, đầm ấm trong gia
đình. Không nói dối, đó là nguyên nhân của quả tin yêu, không bị lường gạt.
Không uống rượu, đó là nguyên nhân của quả trí tuệ. Đây là chỉ mới nói một ít
kết quả thông thường thôi.
52) HỎI: Sao có
người từ nhỏ đến lớn siêng năng làm ăn, không trộm cắp của ai, mà suốt đời vẫn
chật vật khốn khổ?
ĐÁP: - Đó
là kết quả của nguyên nhân trong kiếp quá khứ. Luật nhân quả rất phức tạp, chứ
không giản dị như người thường quan niệm. Có nhân quả đồng thời, có nhân quả dị
thời, có nhân quả chuyển biến v.v… Nhân quả đồng thời là như tay gõ thì tai
liền nghe tiếng; nhân quả dị thời là như trồng lúa hôm nay, ba tháng sau mới có
ăn, hoặc như một việc làm bất cẩn từ năm trước, trăm năm sau mới thấy hại, nhân
quả chuyển biến là như giống cây tốt trồng trong đất xấu và thiếu phân bón thì
quả sẽ biến ra xấu.
53) HỎI: Mọi sự
việc trên đời này hô ứng theo luật nhân quả thì cha tu cha hưởng, con tu con
hưởng, hai bên dính líu gì nhau?
ĐÁP: - Lý
đương nhiên như thế. Nhưng ở đời mọi cuộc gặp gỡ điều do túc duyên mà thành.
Một người sỡ dĩ thác sinh vào một nhà nào đó, tất nhiên phải phụ thuộc loại
đồng thanh đồng khí với nhà ấy. Có những gia đình đông con mà đứa thì thông
minh hiền hòa, đứa lại ngu đần hung ác, đó là do tâm tánh và hành vi của cha mẹ
lúc thọ thai. Nếu thọ thai trong thời gian cha mẹ làm nhiều điều phước thiện,
tâm tánh tốt lành thì đứa con thác sinh vào hẳn phải là đứa con tốt. Trái l ại,
tất gặp phải con xấu. Cho nên cha mẹ ăn ở phúc đức mới sinh được con hiếu thảo
thông minh.
54) HỎI: Luật
nhân quả, ai đặt ra?
ĐÁP:
- Đó là một định luật đương nhiên như
các định luật khoa học, không ai đặt ra cả. Phật nhờ giác ngộ mà phát minh được
định luật ấy, soi đường cho chúng ta. Đã là định luật thì tạo nhân tốt hưởng
quả tốt, tạo nhân xấu chịu quả xấu, không trời thần quỷ vật nào cưỡng lại hoặc
xen vào thưởng phạt hết.
55) HỎI: Thế thì
thờ Phật và lạy Phật để làm gì?
ĐÁP: - Để
tỏ lòng biết ơn Phật và để hàng ngày chiêm ngưỡng Phật mà noi gương Từ Bi Hỷ Xả
của Phật, nhờ đó ta huân tập dần dần các đức sáng ấy làm cho ta mỗi ngày gần
Phật hơn. Ngoài ra, lạy Phật còn là một cách tu luyện để thanh tịnh hóa ba nghiệp
thân, khẩu, ý. Khi lạy Phật, thân đứng ngắm để chiêm ngưỡng Phật tức thân thanh
tịnh; miệng niệm danh hiệu Phật, không nói lời xằng bậy, tức khẩu thanh tịnh, ý
nghĩ đến bốn đức Từ Bi Hỷ Xả và vô lượng công đức của Phật nói trong Kinh,
không có ý nghĩ tạp loạn xen vào, tức ý thanh tịnh. Vì tội lỗi là do ba nghiệp
sinh ra, nay ba nghiệp thanh tịnh tức tội diệt, phước sanh.
56) HỎI: Niệm
Phật có lợi ích gì?
ĐÁP: -
Niệm Phật nghĩa là nhớ nghĩ đến Phật. Đã nhớ nghĩ đến Phật, tất nhiên không nhớ
nghĩ đến cái khác, giúp cho ý nghiệp thanh tịnh như đã nói trên. Pháp môn niệm
Phật hay pháp môn Tịnh Độ là pháp môn huyền diệu nhất và dễ tu nhất.
57) HỎI: Tụng
kinh có lợi ích gì?
ĐÁP: -
Tụng kinh cũng như niệm Phật, sự lợi ích không thể nghĩ bàn được. Khi đọc tụng
lời Phật dạy, tâm ta huân tập đức thanh tịnh sáng suốt của Phật, tự nhiên mỗi
ngày ta gần Phật một bước, tụng niệm m ãi cho đến khi giữa ta và Phật kh ông
còn cách ngăn nhau nữa, tâm ta tức tâm Phật, tâm Phật tức tâm ta. Đó là cứu
cánh của sự tụng Kinh niệm Phật.
58) HỎI: Thế thì
vì sao còn ph ải ăn chay?
ĐÁP: - Tất
cả sinh vật đều có tình thức như ta, đều biết đau khổ như ta, nghĩa là đồng
tham sống sợ chết như nhau cả. Chả l ẽ ta lại nhẫn tâm gây đau khổ cho những
sinh vật khác, trong khi chính ta cũng đương ê chề với đau khổ!
Vì vậy,
Phật dạy nên ăn rau để tỏ lòng thương xót loài vật. Người đã quy y rồi, ít nhất
cũng phải ăn được hai ngày chay một tháng, vào ngày rằm và mùng một.
59) HỎI: Đạo
Phật có thừa nhận có ma quỷ không?
ĐÁP: -
Ngoài nhân quả ra, Đạo Phật không thừa nhận gì cả . Nhưng hễ ngư ời muốn cái gì
(nhân) thì có cái đó (quả). Nếu lòng mình luôn luôn nhớ nghĩ ma thì ma hiện.
Trong Kinh có chép một chuyện ma như sau: Có một phụ nữ bị ma quỷ hãm hiếp và
đã dùng trăm phương nghìn kế để trừ khử nhưng không kết quả. Về sau nhờ gặp một
thầy Tỳ Kheo truyền cho ba pháp quy y, bà ta đêm ngày thành tâm tụng học ba
pháp ấy, tự nhiên không còn thấy ma quỷ nữa và trở lại sống an vui như trước.
60) HỎI: Khi
tụng Kinh niệm Phật, muốn cầu Phật cứu giúp cho một việc gì, như thế có đúng
Chánh pháp và có được không?
ĐÁP: - Nếu
mình đem hết tín thành vận lòng mình như lòng Phật, để gây nhân tốt thì tự nhiên
Phật với mình cảm thông nhau. Quả tốt sẽ do đó mà có. Muốn cho công đức thành
tựu viên mãn, điều cốt yếu vẫn là phải giữ ý nghĩ trong sạch, không làm các
điều ác, siêng tu các điều lành, như bài kệ Phật dạy trong Gi ới Kinh
“Chư ác mạc tác
Chúng
thiện phụng hành
Tự tình kỳ
ý
Thị chư
Phật giáo”.
Nghĩa là:
“Tránh làm
các việc ác
Siêng làm
các việc lành
Giữ tâm ý
trong sạch
Đó là lời
Phật dạy”.
Và
“Nguyện
đem công đức này
Hướng về
khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn
thành Phật đạo”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét