Phật
(Buddha) có nghĩa là người giác ngộ. Giác ngộ là thấu hiểu hết mọi lẽ biến hóa
của vũ trụ, vạn vật, nhân sinh, tự giải thoát khỏi luân hồi, đạt tới sự sinh tử
tự do.
Phật giáo du nhập rất sớm và gắn bó lâu
dài với dân tộc Việt Nam
Phật giáo (PG) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người sáng lập PG là Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni (zh. 釋迦牟尼, sa. Śākyamuni).
Ngài sinh năm 623 trước Công nguyên (TCN), tịch năm 543 TCN, thọ 80 tuổi. Phật
lịch (PL) tính từ lúc ngài mất, tức năm 543 TCN kể là năm thứ nhất, đến nay
dương lịch 2010 thì PL là năm 2554.
PG du nhập vào Việt Nam rất sớm bằng đường biển, trước
cả Trung Quốc. Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến dân tộc Việt Nam, gắn bó rất
mật thiết với triều đình và với đời sống của nhân dân, từng có thời được xem là
quốc giáo dưới các triều đại Lý, Trần. Theo sách Lĩnh Nam chích quái, vào thời
đại Hùng Vương, hai vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa đã được một nhà
sư Ấn Độ tên là Phật Quang thuyết giảng về Đạo Phật tại núi Quỳnh Viên. Mặc dù
đây là truyền thuyết nhưng không hẳn là không có thật. Theo khảo cứu của các
học giả, núi Quỳnh Viên ở phía nam Cửa Sót nơi con sông cùng tên chảy ra biển
(nay thuộc Hà Tĩnh). Lịch sử PG cho biết rằng vào thời vua A Dục (Asoka
273 – 232 TCN), ông là vua của nước Ma Kiệt Đà (Magadha- bắc Ấn Độ), đã cử 9
phái đoàn để truyền bá đạo Phật ra các nước chung quanh, trong số đó có phái
đoàn do hai cao tăng Uttara và Sona đi bằng đường biển đến Suvannabhumi (xứ
vàng, nay là Myanmar và Thái Lan) truyền đạo. Sử của Thái Lan và Myanma có ghi
nhận công cuộc hoằng pháp của phái đoàn này. Một đoàn khác do Mahoda, con của
vua A Dục cầm đầu, đã đến nước Văn Lang của vua Hùng vào năm 240 trước CN.
[Theo sử cũ, triều đại Hùng Vương kết thúc năm 258 trước CN, nhưng niên đại cổ
sử có sai sót, nước Âu Lạc chỉ có thể được thành lập sau cuộc chiến thắng lợi
với Nhà Tần. Năm 218 TCN Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư屠睢đem 50 vạn quân đánh phương
nam (bao gồm Chiết Giang, Quý Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây) Dịch Hu
Tống译吁宋là thủ lĩnh của người Tây Âu (nay thuộc Quảng Tây) lãnh đạo cuộc
kháng chiến tại khu vực của mình, nhưng Dịch Hu Tống tử trận. Lúc đó Thục Phán蜀泮là
một vương tử của nước Thục (thuộc Tứ Xuyên, đã bị Tần diệt) lưu vong tại
Tây Âu, thay Dịch Hu Tống tiếp tục việc chống Tần, giết được Đồ Thư, đánh bại
quân Tần. Sau thắng lợi, Thục Phán sẵn cơ hội, đánh chiếm nước Văn Lang, thời
đại Hùng Vương kết thúc vào năm 208 TCN. Một chi tiết khác, Sử Ký của Tư Mã
Thiên ghi Bà Lữ Hậu, vợ của Hán Cao Tổ mất năm 180 TCN, sau đó Triệu Đà mới
đánh chiếm nước Âu Lạc của Thục Phán. Một chi tiết khác nữa, năm 1983, người ta
khám phá lăng mộ của Triệu Văn Vương tại Quảng Châu, người này chính là Triệu
Hồ, sinh năm 175 TCN, con của Trọng Thủy, có ghi trong Sử Ký, nhưng trong lăng
mộ ghi tên chính xác là Triệu Mạt 赵眜 (lên ngôi năm 137, mất năm 122TCN). Theo
truyền thuyết, Trọng Thủy đã chết theo Mỵ Châu, vậy Trọng Thủy chỉ chết vào năm
176 hoặc trong năm 175 TCN, suy ra Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc chỉ có thể
là năm 176 hoặc 175TCN mà thôi chứ không thể là năm 179TCN. Các chi tiết
trên đủ để kết luận, nước Âu Lạc chỉ có một đời vua là Thục Phán, tồn tại từ
208-176 (hoặc 175 TCN] Như vậy năm 240TCN vẫn còn là triều đại Hùng Vương, Chử
Đồng Tử và Tiên Dung công chúa là những Phật tử người Việt đầu tiên của nước
Văn Lang.
Triết học Phật giáo
Phật (Buddha) có nghĩa là người giác ngộ. Giác ngộ là thấu hiểu
hết mọi lẽ biến hóa của vũ trụ, vạn vật, nhân sinh, tự giải thoát khỏi luân
hồi, đạt tới sự sinh tử tự do. Con người bình thường không thể quyết định mình
sinh ra ở xứ sở nào, làm con cái của ai, nhưng Phật thì quyết định được, thậm
chí chấm dứt sinh tử luân hồi. Như vậy đủ thấy triết học PG là cực kỳ sâu thẳm,
tri thức của Phật là không thể nghĩ bàn, có thể hết sức xa lạ với tri thức bình
thường vì quá sâu. Chúng ta thử nghiên cứu xem PG hiểu thế nào về thế giới.
Thuyết thập nhị nhân duyên của PG nói rằng thế giới được cấu thành
từ vô minh. Vô minh là cơ sở cho thế giới xuất hiện. Vậy vô minh là gì ? Kinh
Vô Minh là một bộ kinh nằm trong Bộ Tạp A Hàm Kinh (杂阿含经) có kể câu chuyện hỏi đáp giữa hai tôn
giả Maha Câu Hi La (摩訶俱絺羅Maha Kausthila, cậu của Xá Lợi Phất) và Xá Lợi
Phất (舍利弗Sàrìputta).
Tôn Giả Ma-Ha Câu-Hi-La hỏi Tôn Giả Xá-Lợi-Phất: “Gọi là vô minh,
vậy thế nào là vô minh? Ai có vô minh này?” Tôn Giả Xá-Lợi-Phất đáp: “Vô minh
là không biết , không biết tức là vô minh. Không biết những gì? Sắc là vô
thường, mà không biết như thật sắc là vô thường; sắc là pháp ảo hóa mà không
biết như thật sắc là pháp ảo hóa; sắc là pháp sanh diệt mà không biết như thật
sắc là pháp sanh diệt. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường mà không biết
như thật thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường; thức là pháp ảo hóa mà không
biết như thật thức là pháp ảo hóa; thức là pháp sanh diệt mà không biết như
thật thức là pháp sanh diệt. Này Ma-Ha Câu-Hi-La, đối với ngũ ấm này (Sắc,
Thọ,Tưởng, Hành, Thức) mà không thấy, không biết như thật, không có vô gián
đẳng [khả năng quán chiếu liên tục không gián đoạn], ngu si, mờ tối, không sáng
tỏ, thì gọi là vô minh. Ai có những điều này gọi là kẻ vô minh.” (*)
Sắc tức là vật chất, vật chất là vô thường, là ảo hóa, đó là pháp
sanh diệt, không phải là sự thật, không phải là chân lý, không hiểu, không nhận
thức được điều đó tức là vô minh. Trong Niết Bàn Kinh (涅槃经) Đức Phật có
kể một câu chuyện để diễn tả cái vô minh của chúng sinh : “Có một vị vua nói
với đại thần, ngươi hãy dẫn một con voi đến cho bọn mù xem. Những người mù dùng
tay để sờ. Vị đại vương kêu bọn mù lại hỏi : “Các ngươi thấy voi giống như vật
gì ? Người sờ cái ngà nói : voi giống như cái củ cải. Người sờ lỗ tai nói giống
nhánh lá ki (là loại lá kép có thể dùng làm quạt). Người sờ lưng voi nói giống
như cái giường. Người sờ bụng voi nói giống như cái lu. Người sờ đuôi voi nói
giống như sợi dây thừng… Vua tượng trưng cái biết toàn thể của Như Lai (chánh
biến tri 正偏知 ) Đại thần tượng trưng Kinh Phương Đẳng Niết Bàn. Con voi tượng
trưng cho Phật tính. Những người mù tượng trưng cho tất cả chúng sinh vô minh.”
(**)
Người mù không thể biết được cái toàn thể, mà chỉ biết được phần
mớ nào đó thôi. Người mù là ai ? Là nhà chính trị, nhà triết học, nhà khoa học,
nhà doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và cả bàn dân thiên hạ. Nói chung là tất cả chúng
sinh, với cái biết của bộ não, họ không bao giờ có thể đạt tới cái biết toàn
thể. Có lý lẽ nào để tin rằng đánh giá của Đức Phật là không quá đáng ? Bởi vì
không mấy ai trong số họ giác ngộ có thể đạt tới sinh tử tự do cả.
PG phân biệt hai thứ vô minh. Một là vô thủy vô minh, đó chính là
cấu trúc ảo của vật chất mà cơ bản là nguyên tử. Nguyên tử là một cấu trúc ảo
vì những hạt cơ bản hạ nguyên tử (subatomic particles) như các loại quark và
electron cấu tạo nên nó chỉ là những hạt ảo, vì là hạt ảo nên chúng chỉ có
trong tâm thức, chúng không tồn tại khi bị cô lập. Điều này thì các nhà khoa
học hàng đầu của nhân loại ngày nay đã xác nhận. Niels Bohr (1885-1962, nhà vật
lý người Đan Mạch, giải Nobel vật lý 1922) nói “Isolated material particles are
abstractions” (1)
(Hạt vật chất cơ bản cô lập thì chỉ là hạt ảo trừu tượng). Nhà triết học người
Đức, Immanuel Kant (1724-1804) gọi cấu trúc của vật chất là vật tự thân hay vật
tự thể (Das Ding an sich) là cái bất khả tri, không thể biết được là cái gì,
bởi cái biết đã qua ý thức là lầm lạc, không còn đúng với nguyên bản sự thật.
Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, giải Nobel vật lý 1932,
người phát minh ra nguyên lý bất định _không thể đồng thời xác định vị trí và
vận tốc hay xung lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary
particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of
things or facts…atoms are not things” (2)(Nguyên
tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu,
chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải
là vật).
Cái thế giới tiềm thể (world of potentialities) mà Heisenberg đề cập, còn phải đợi
điều kiện gì để trở thành hiện thực ? Nó phải đợi một cái vô minh thứ hai, đó
là nhất niệm vô minh, nói theo thuật ngữ PG, còn thông thường ta gọi đó là thức
hay ý thức. Cấu trúc vật chất tuy ảo nhưng nó vẫn tương đối vững bền và tiếp
tục phát triển thành những cấu trúc mới. Tính chất vững bền của cấu trúc ảo,
ngày nay chúng ta hiểu rõ qua máy vi tính. Các files tin học vẫn ổn định và có
thể gởi đi xa qua mạng internet, kể cả qua sóng vô tuyến như blue tooth, wifi,
3G v.v… Khi cấu trúc vật chất phát triển thành sinh vật với các giác quan :
mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, não bộ. PG gọi chung là lục căn. Lục căn tiếp
xúc với các đối tượng của nó : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. (Pháp là thuật
ngữ tổng quát để chỉ chung tất cả sự vật -tiếng Anh là things-. PG gọi các đối
tượng này là lục trần) thì sinh ra lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, ý
thức). Ý thức là nhận thức tổng hợp mà cơ sở của nó là lục căn tiếp xúc với lục
trần. Từ đó phát sinh ý niệm. PG cho rằng vật chất chỉ là ảo không có thật,
nhưng khi não tổng hợp và phát sinh một niệm thì vật chất được nhận thức một
cách lầm lạc là có thật. Cho nên PG gọi đó là nhất niệm vô minh. Rồi niệm này
kế tiếp niệm kia liên tục phát sinh thành ý thức, thành nhận thức cho rằng có
một thế giới khách quan, độc lập, bên ngoài ý thức. Nhưng khi các nhà khoa học
nghiên cứu về lượng tử thì họ mới phát hiện rằng không có một thế giới độc lập,
khách quan, ngoài ý thức, mà chỉ có thế giới chủ quan của ý thức, biến ảo thành
thật. Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng
góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless
consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness –
which is a complete reversal of materialism” (3) (Không có cái gì là thật trừ
phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn
toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật). Một nhà khoa học khác cũng cùng nhận
thức. Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel
vật lý năm 1963) viết : “The
very study of the external world led to the conclusion that the content of the
consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and
so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element
of reality”(4) (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng
dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu
khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố
cơ bản của thực tại).
Vì vậy nhà Vật lý học Mỹ, Thomas Samuel Kuhn (1922-1996) trong
tác phẩm “Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học” (Structure of Scientific
Revolutions) xuất bản năm 1962, ông nói “Thành trì khoa học tưởng chừng
như đã rất bền vững (vì tưởng như độc lập với con người) nay như một tòa lâu
đài ảo, chỉ tồn tại trong tâm tưởng con người” (***)
Nhà khoa học nổi tiếng nhất hiện nay cũng phát biểu tương tự.
Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức
giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như
Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958
tại Johannesburg, South Africa) Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc
Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai ông nói trong một tác phẩm viết chung
: “The quantum world is one
of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a
vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions,
most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation,
spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (5)(Thế giới lượng tử
là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư
không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần
lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực
hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘hiện
tiền’).
Tóm lại PG cho rằng thế giới là ảo, chỉ là thức mà thôi (vạn pháp
duy thức). Nhưng thế giới ảo của đời thường cao cấp hơn nhiều so với thế giới
ảo của máy vi tính. Nếu trong thế giới tin học, vật ảo chỉ hiện thực trước 3
giác quan (thấy, nghe, ý thức) các giác quan khác (mũi, lưỡi, thân thể) không
thể tiếp xúc được. Còn trong thế giới đời thường, vật ảo xuất hiện trước cả 6
giác quan một cách đồng bộ, khiến chúng sinh tin tưởng hoàn toàn đó là thật,
không một chút nghi ngờ rằng đó chỉ là ảo. Bởi vậy PG nói chúng sinh nằm mơ
giữa ban ngày mà không biết. So sánh giữa thế giới ảo tin học và thế giới đời
thường theo mô tả của PG, thấy có rất nhiều điểm tương đồng. Video card tương
ứng với mắt, Sound card tương ứng với tai, RAM tương ứng với ý thức, Hard disk
tương ứng với Mạt-na thức (chuyên chấp ngã), Internet tương ứng với A-lại-da
thức (kho thông tin khổng lồ của vũ trụ). Tin học hiện nay chưa có thiết bị
tương ứng với mũi, lưỡi và thân thể nên chưa thể so sánh với thân ngũ uẩn của
con người.
Chính vì thế giới là ảo nên PG nói rằng số lượng, không gian, thời
gian đều không có thật. Mà nhận thức này một lần nữa lại được khoa học chứng
minh là đúng trong hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement). Hiện tượng
rối lượng tử đã được biết đến từ thời Einstein còn sống, gần đây mới được khoa
học tái lập thực nghiệm chính xác, xác nhận tính tương đối của không gian, thời
gian và số lượng, tức là cả ba đại lượng trên đều không độc lập tồn tại. Hiện
tượng rối lượng tử là hiện tượng các hạt cơ bản như photon, electron, proton,
neutron, và kể cả nguyên tử, có thể xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị
trí khác nhau, khiến người quan sát không thể xác định chúng là một hạt cùng
lúc ở nhiều vị trí, hay là nhiều hạt giống hệt nhau ở tại các vị trí khác nhau.
Nhưng điều quan trọng là nếu có sự biến đổi của một hạt ở vị trí này thì tất cả
các vị trí khác đều biến đối y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách bao xa. Sinh
thời Einstein có biết hiện tượng này, nhưng ông bối rối, không thể giải thích
được, ông gọi đó là “tác động ma quái từ xa” (spooky action at a distance).
Gần đây, các nhà khoa học tại Geneve, Thụy Sĩ đã tạo ra những cặp photon hoặc
các gói ánh sáng. Chúng được chia ra rồi truyền qua cáp quang được Swisscom
cung cấp, đến hai trạm tại hai ngôi làng thuộc Thụy Sĩ cách nhau khoảng 11 dặm
(18 kilômét). Các trạm khẳng định rằng từng cặp photon vẫn kết nối với nhau –
bằng cách phân tích một photon, các nhà khoa học có thể dự đoán tính chất của
photon kia. Hai photon đã tương tác với nhau một cách tức thời. Nếu cho rằng hai
photon đã chuyển tín hiệu cho nhau thì tín hiệu đó phải di chuyển với tốc độ
không tưởng, gấp hàng vạn, hàng triệu lần tốc độ ánh sáng. Nicolas Gisin, nhà
vật lý của Đại học Geneve phát biểu : “điều thú vị ở đây là tự nhiên có thể tạo
ra các sự kiện cùng xuất hiện ở nhiều địa điểm” Chính vì không gian không có
thật, nên hạt photon không mất một chút thời gian nào để truyền tín hiệu cho
nhau. Chính vì số lượng không có thật nên hai hoặc nhiều hạt photon ở nhiều vị
trí khác nhau có thể coi là một hạt. Hiện tượng này, cùng với định lý bất toàn
mà Kurt Gödel phát biểu và chứng minh, công bố năm 1931, đã làm sụp đổ
lâu đài khoa học, kể cả toán học, chứng thực rằng câu chuyện người mù sờ voi mà Đức Phật kể trong Kinh Niết Bàn có
ý nghĩa hết sức sâu xa.
Triết lý trung đạo
Tuy biết rõ thế giới là ảo, bản chất của thế giới là không, song
PG dạy cho tín đồ không được cố chấp. Chấp thế giới là có thật, hay chấp thế
giới là không thật, đều không đúng. Nếu chấp là thật thì sẽ khổ vì sinh, lão,
bệnh, tử; vì tranh giành do chấp có cái ta và những sở hữu của ta, từ đó phát
sinh xung đột, chiến tranh. Thiên tai, nhân họa xảy ra cũng vì nhận thức vô
minh lầm lạc. Nhưng nếu chấp không cũng là bệnh, vì sẽ chẳng có công dụng gì
cả, sẽ ngược ngạo với thế giới đời thường. Thế giới vô cùng phong phú là công
dụng của tâm thức, miễn biết đó là ảo và đừng quá cố chấp. Thế giới ảo của máy
vi tính cũng có vô số công dụng to lớn mà hiện nay chúng ta đang thấy. Như vậy
ảo không phải là vô dụng, ảo, biến hóa mới đích thực là công dụng. Cái vật tự
thân (Das ding an sich) của Kant vốn chỉ là cấu trúc ảo và vô dụng, bản chất
của nó là không, bất khả tri, nhưng khi phối hợp với nhất niệm vô minh của tâm
thức, thì sẽ thành vật chất, vũ trụ vạn vật, sơn hà đại địa, chúng sinh, con
người, nhà cửa lâu đài…vô số công dụng mà hàng ngày chúng ta đang sử dụng. Như
vậy không thể phủ nhận rằng cái vô thủy vô minh và nhất niệm vô minh đã đem lại
vô lượng vô biên công dụng, nhưng cũng không nên cố chấp chúng để dẫn đến tranh
giành, xung đột và chiến tranh, đau khổ một cách mê muội, bởi vì chúng chỉ là
ảo thôi mà ! Đó là ý nghĩa trung đạo mà Bồ Tát Long Thọ (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna ) đã diễn giải trong tác phẩm Trung
Quán luận (sa. mūlamadhyamakakārikā).
Truyền Bình
Nguồn trích dẫn :
(*) Trích “Vô Minh Kinh”, quyển 32 :
摩诃拘絺罗问舍利弗
言:「所谓无明,云何是无明?谁有此无明」?舍利弗答言:「无明者谓不知,不知者是无明」?「何所不知」?「谓色无常,色无常如实不知,色磨灭法,色磨灭
法如实不知;色生灭法,色生灭法如实不知。受、想、行,识(无常),受、想、行、识无常如实不知;(受、想、行)识磨灭法,(受、想、行)识磨灭法如实不
知;(受、想、行)识生灭法,(受、想、行)识生灭法如实不如。摩诃拘絺罗!於此五受阴如实不知,不见,无无间等,愚,暗,不明,是名无明。成就此者,名 有无明」
(**) Trích “Niết Bàn Kinh” :
“有王告大臣,汝牵一象来示盲者时,众盲各以手触。大王唤众盲问之:“汝见象类何物?触其牙者言:象形如萝菔根;触其耳者言如
萁;触其脚者言如臼;触其脊者言如床;触其腹者言如瓮;触其尾者言如绳。……王喻如来正偏知,臣喻方等涅槃经,又象喻佛性,盲者喻一切众生无明也。”
(***) Trích “Khoa học và Mô thức luận của Thomas Kuhn” Tiến sĩ
Đinh Thế Phong-Chungta.com
(1,2,3,4,5) Trích “Religion and the quantum world” của Giáo
sư Keith Ward, phát biểu tại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét