Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Một Đại đức nặng lòng với nỗi đau đời



Tôi thấy quanh mình còn quá nhiều những trẻ nhỏ lầm than, cho dù là những người tu hành nhưng chúng tôi vẫn không thờ ơ trước những nỗi đau đời. Tôi luôn cố gắng bù đắp phần nào những nỗi đau ấy.
 

Đó là lời tâm sự của Đại đức Thích Tục Khang- trụ trì chùa Hồng Phúc (phường Bắc Sơn- quận Kiến An- Hải Phòng). Đại đức sinh ra tại Hà Nam trong một gia đình có cơ duyên với cửa Phật.

Năm 7 tuổi đã xuống tóc đi tu, người thầy đầu tiên của Đại đức chính là Hòa Thượng Thích Quảng Mẫn - bây giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội phật giáo Hải Phòng.

Đến năm 1994, sang Ấn Độ học Phật pháp, năm 1997 về nước và bắt đầu công việc của một người “giữ trẻ”.

Vì chữ “Tâm”

Hồi đầu, Đại đức Thích Tục Khang được giao trụ trì chùa Mỹ Khê (Kiến An). Công việc tu bổ, cải tạo chùa ngổn ngang nhưng thầy vẫn không quên để ý tới những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn không được ăn học...

Thầy đi vận động các cháu, các gia đình cho con em đến chùa học chữ, vận động các giáo viên phát tâm công đức, giúp đỡ dạy chữ cho 45 cháu mù chữ. Trong đó một số cháu không nơi nương tựa đã được thầy giúp nuôi ăn học tại chùa Mỹ Khê, cho đến trường học chữ để hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Đại đức Thích Tục Khang thường nói: Phương châm của Phật giáo là “an trú nội tâm”, thực hành tâm bình đẳng, ngoài việc tụng kinh niệm Phật thì hãy cùng nhau chung tay làm những việc thực tế để cứu rỗi những tâm hồn bé nhỏ. Những năm qua, thầy đã nuôi dưỡng ăn học cho hàng chục cháu mồ côi, xin vào các trường học nghề, các cơ sở sản xuất. Nhiều cháu hiện đã có việc làm ổn định tại Cty Đóng tàu Nam Triệu…

Một Phật tử đang thắp nhang khấn vái tại chùa tâm sự: “Chính tấm lòng nhân ái, bao dung đời thường của Đại đức Thích Tục Khang đã khích lệ chúng tôi đến đây, nhắc chúng tôi nếu có thể giúp được ai thì hãy giúp, cho dù đó chỉ là một miếng bánh qua bữa.

Nguồn nước của hy vọng



Đại đức Thích Tục Khang
Khi về chùa Hồng Phúc, Đại đức Thích Tục Khang lo từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc tu bổ, bảo trì ngôi chùa đến việc ăn, mặc, học hành... của các cháu. Chùa Hồng Phúc là một ngôi chùa hẻo lánh, do nằm trong một khu dân cư “đất rộng người thưa”, đường vào vòng vèo, nhỏ bé nên số người biết đến ngôi chùa này còn ít.
Việc đi học của các cháu lại chưa được các ngành chức năng giúp đỡ nhiều, học trái tuyến phải đóng tiền, học phí của các cháu chỉ được giảm 20%.

Cũng trong lúc khó khăn nhất, một số chuyên gia về khai thác nước ngầm đã phát hiện trong núi đá cạnh chùa có một nguồn nước ngầm làm được nước uống tinh khiết. Đại đức Thích Tục Khang đã bắt tay vào việc thành lập một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết.

Sau khi hoàn tất các thủ tục về kiểm tra chất lượng, đăng ký mẫu mã nhãn mác, ngày 16/12/2006 những thùng nước đầu tiên đã “ra lò” mang theo hy vọng của bao người. Đại đức Thích Tục Khang trong ngày ra lô nước đầu tiên phấn khởi nói: “Bây giờ thì tôi đã có hy vọng để làm những điều tốt đẹp hơn đối với các cháu, đối với những người lang thang cơ nhỡ”.

Quả thực vậy, điều ấp ủ lớn lao của Đại đức chính là thành lập một cô nhi viện. Đó là một “điều ước” lớn của Đại đức từ khi trở về nước, và nguồn nước này là món quà đầu tiên mà thiên nhiên ban cho để có điều kiện vật chất thực hiện điều ước đó.

Cùng chung những tấm lòng đồng cảm với Đại đức Thích Tục Khang, một số lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn nhận đóng góp công đức, giúp tiêu thụ sản phẩm nước tinh khiết của chùa Hồng Phúc như: Ông Hoàng Văn Khánh- Tổng GĐ Cty Dệt may xuất khẩu; ông Lê Văn Thành - GĐ Cty Xi măng Hải Phòng...

Hiện nay, Đại đức Thích Tục Khang đang đề nghị các ngành chức năng giúp đỡ để có điều kiện xây dựng một ngôi nhà tình thương, bước đầu nuôi dưỡng 100 em nhỏ, cho đi học để sau này hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm, bớt đi những nỗi bất hạnh trong xã hội.

*
* *

Mang tâm niệm đưa ngôi chùa Việt Nam vào cuộc sống đời thường, ngoài lễ bái tâm linh còn phải làm những việc thực tế đó là cứu rỗi những tâm hồn bé nhỏ, những người già neo đơn, cơ cực trong cuộc đời, bên cạnh Đại đức Thích Tục Khang còn có rất nhiều, rất nhiều những tăng ni khác cũng có tấm lòng “bác ái”.

Họ cũng bằng những khả năng của mình, giúp một phần sức lực để giảm đi những cơ cực của những con người bất hạnh giúp xã hội bớt đi một nỗi lo như: Đại đức Thích Thanh Hiền - Trụ trì chùa Đào Yêu- nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa; Sư cô Thích Nữ Tâm Chính - Trụ trì Chùa Vẽ- mở phòng khám bệnh nhân đạo cho người nghèo...

Đó là những nhân vật tiêu biểu trong hàng trăm ngàn những người tu hành trong cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng nặng lòng với những nỗi đau đời thường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người theo dõi

Slider(BỂ KHỔ)

LIÊN KẾT

BẤM ĐÂY ĐỂ LIÊN KẾT>>>

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls
Blogger Gadgets