Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Thờ Phật Lễ Phật và Cúng Phật


Phật tử thờ Phật vì nhớ công ơn của Đức Phật tu hành bố thí. Đức Phật là người ban ơn cho chúng ta nhiều nhất. Cho chúng ta một giáo Pháp nương theo. Chúng ta trở lại làm người đời này là vì đời trước mình không tạo tội ác. image


Nhân dịp Bát Quan Trai Thầy xin tán thán công đức của Phật Tử.

Thời buổi này tuy Phật Pháp còn, người đến với Phật Pháp để tu rất hiếm.  Đa số nghe Phật Pháp rồi về.  Người ở lại để thọ Bát Quan Trai rất là quí hoá.

Chúng ta tới chùa, vào chùa thấy trong chùa có tượng Phật ở trên cao tức là có thờ Phật, lễ Phật, và cúng Phật.  Đó là những căn bản đơn giản.  Nếu tu đúng cũng đưa tới giải thoát không cần nhiều pháp môn cao siêu khác.

Khi Phật tử đến chùa, vào chùa đảnh lễ, lạy Phật trước.  Phật tử có thể lập bàn thờ Phật ở nhà để cúng Phật, lễ Phật. Nếu làm đúng, đó là cách tu phổ thông ai cũng thực hiện được.  Ngoài các pháp môn như chì trú, tụng kinh, niệm Phật nếu chỉ lễ Phật thôi, cũng có đầy đủ công đức.  Nếu biết lạy Phật đúng cách cũng có pháp môn thiền trong đó.

Trong nhà có tượng Phật, bàn thờ Phật, có khi người ngoại đạo đặt câu hỏi sao lại thờ Phật?  Phật có phải là đấng tạo hoá , một ông trời không?  Sao thờ Phật như thờ ông bà, tây phương mẫu, bà chúa?  Thờ Phật để cầu gi?  Cầu sống lâu? Cầu siêu thoát?

Xin nhắc nhở Đạo Phật là đạo giác ngộ chứ không phải là đạo cầu xin ban phước. Nếu cầu xin ban phước thì không khác gì những đạo khác.  Ấn Độ giáo có nhiều đạo để họ cầu xin, nhất là xin có con trai.

Trước hết Đạo Phật là đạo giải thoát, đạo giác ngộ.  Muốn có giải thoát phải có giác ngộ.  Đức Phật khổ công, tu hành ba tăng kỳ kiếp, phá trừ phiền não mới đạt được giác ngộ.  Người tu hành thờ Phật, lạy Phật không giống như những người ngoại đạo.

Vấn đề lạy Phật đơn giản, nhưng hiểu ý nghĩa sẽ không có dị đoan nhầm lẫn.  Có những chùa có Quan công, Phật Bà.  Đa số Phật tử Trung Hoa tới chùa lắc sâm để cầu xin Quán Thế Âm làm ăn phát tài, con cái thi cử thành đạt.  Họ không cầu giải thoát.  Thế nên người ngoài nhìn vào họ nói Đạo Phật là đạo cầu xin.  Người Phật tử đúng đắn đi xa hơn để làm gì khác chứ không phài chỉ cầu xin Đức Phật những chuyện nhỏ nhen.

Thờ Phật là để tỏ lòng tri ơn cũng như thờ Ông Bà, Cha Mẹ.  Đức Phật đã tu biết bao nhiêu kiếp về lục đạo bố thí, trì giới nhẫn nhục ba la mật. Đức Phật cho đi tất cả vì hạnh bồ đề tâm, tạo công đức để tìm đạo giải thoát luân hồi sinh tử.  Ngài hy sinh để tìm một giáo Pháp toàn hảo cứu độ chúng sinh cho nên Phật tử tỏ lòng tri ân và thờ phượng đức Phật.

Vì Phật là người cho mình nhiều ơn nhất, nhờ Ngài khai thị mà mình hiểu luật nhân quà.  Tạo ác sinh ác.  Nếu tạo ác, mình chỉ loanh quanh trong lục đạo luân hồi.  Người ban ơn cho mình không phải cho mình nhiều tiền bạc mà là dạy đạo cho mình. Trong khi với người đời sự nghiệp tiền bạc rất là quan trọng, sự nghiệp của người tu là lấy trí huệ làm đầu.  Có trí huệ mới giải thoát được.

Thời đức Phật còn là Bồ Tát, Ngài đi tìm một câu kệ cũng không có.  Nhưng lâu lâu cũng có ma vương, quỉ dạ xoa, chúng sống lâu nên vẫn còn nhớ một câu kinh, đòi hỏi Ngài phải cúng dường thân thể.  Đức Phật sẵn sàng hy sinh thân mình để nghe một câu kệ cũng đáng. Bồ Tát là người đi cầu đạo, tôn trọng pháp giới.

Đó là sự nghiệp của người tu.  Đó là sự khác biệt giữa người tu hành và người đời.  Người đời tôn trọng tiền bạc, danh vọng.  Người tu bỏ hết vật chất tìm Pháp, học Đạo.  Người giàu hay nghèo cũng chỉ ăn một ngày ba bữa.  Muốn ăn thêm cũng không ích lợi gì. Vì vậy không nên tham lam quá trớn mà không có thời giờ tu niệm, đọc kinh, nghe Pháp.

Phật tử thờ Phật vì nhớ công ơn của Đức Phật tu hành bố thí.  Đức Phật là người ban ơn cho chúng ta nhiều nhất. Cho chúng ta một giáo Pháp nương theo.  Chúng ta trở lại làm người đời này là vì đời trước mình không tạo tội ác.

Thờ Phật là để tri ơn.  Vậy thờ Phật nào bây giờ?  Bên nguyên thủy chỉ thờ Đức Phật Thích ca.  Còn bên Đại Thừa có nhiều Kinh, như Kinh A Di Đà do Phật giới thiệu cho chúng ta.  Ngoài ra  chúng ta còn có mười phương Phật.

Vì chúng ta không tới đó được nên không thấy không biết các vị Phật đó thôi.  

Phật Thích Ca có khả năng Phật thông nên biết hết mọi phương Phật và giới thiệu cho chúng sinh biết.  Cũng ví như có nhiều vị Tổng thống trên hoàn cầu mà mình không biết tới.  Vì chỉ các Tổng thống biết nhau.  Nhờ qua thông tin báo chí dân chúng mới biết về họ. Tương lai có Phật Di Lặc là do Phật Thích Ca cho biết trước.  Đa số Phật Tử thờ Phật Thích Ca.  Tịnh độ tông thờ thêm Phật A Di Đà, các bồ Tát, Ngài Địa Tạng, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát...

Có hai hạng  thờ Phật.  Một là hạng thờ Phật để cầu xin.  Hai là hạng thờ Phật để tỏ lòng tri ơn và xin độ trì cho sự tu hành để trở thành Phật như Ngài. Phật Quán Thế Âm là tượng trưng cho lòng đại bi, cứu khổ chúng sinh.  Thờ Ngài Quán Âm là để noi theo gương tăng trưởng lòng từ bi, để mình cứu khổ cứu sinh như Ngài.  Như vậy là thờ đúng nghĩa của người có tâm đại hành.

Còn người có tâm nhỏ bé chỉ cầu xin Phật cho lợi chính mình thôi.

Chính vì Phật Thích Ca mà mình biết Đạo Phật.  Nên Phật tử thờ Phật Thích Ca trước.  Sau đó có thể thờ Phật A Di Đà nếu theo Tịnh Độ Tông.  Người Tây Tạng còn thờ Phật Di Lặc vì họ mong đến thời Ngài Matreya ra đời họ sẽ được tái sinh thành đệ tử của Ngài.

Thờ Phật sao cho đúng?  Khi vào chùa mình thấy Phật ở trên cao.  Ở nhà thờ Phật phải lưạ nơi sáng sủa nhất, thanh tịnh nhất.  Nhà có tầng lầu thì lập bàn thờ trên lầu cao nhất.  Gặp hoàn cảnh khó khăn nên thu xếp để chỗ thờ Phật chỉ để kinh sách thôi.  Chỗ ngủ phải xa ra bên phía ngoài xung quanh.

Lúc nào cũng phải để ý kính trọng Kinh sách không vứt bừa bãi, trên ghế, trên đất, làm nhăn trang giấy.  Trong thế giới vô hình có những vị chư Thiên Hộ Pháp luôn luôn nghe Pháp, đón hưởng tụng kinh của Phật tử và họ hộ trì cho sự tu hành của mình.  Họ để ý hết mọi sự và có thể không ưa nếu không có sự trang nghiêm tôn trọng Kinh điển.

Khi đến nơi thờ Phật, không cần sụp lạy ngay.  Cũng không cần tụng kinh ào ào liền.  Phật tử có thể đứng ngắm Phật, tỏ  lòng tri ân, nhớ tới Phật.  Khi thấy Phật ngồi bất động tâm mình lắng xuống, không còn lăng xăng nữa. Phiền não cũng ra khỏi tâm.  Ngày xưa bao nhiêu vị tì kheo đi tu cũng chỉ vì thấy vẻ thanh thoát của Phật.  Ngài A Nan đi tu không phải vì Phật đẹp trai mà vì thanh độ nhẹ nhàng bao dung của Đức Phật làm Ngài cảm xúc.

Lễ Phật:

Pháp môn quán tượng là quán tới tượng Phật, lúc nhắm mắt cũng như lúc mở, tưởng vẻ êm dịu thanh thoát và hào quang sáng chói trên đầu Phật.  Khi quán tưởng tượng Phật, nhớ tới lòng từ bi của Phật xong mới chắp tay cúi đầu lạy Phật.

Thường thường có vài kiểu lạy Phật.  Trong giáo lý có nói về ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc của thân thể:  đầu, hai tay chân, đụng xuống đất là được.

Việc lạy Phật bắt nguồn từ thời Ấn Độ.  Khi Đức Phật thành đạo và gặp lại năm anh em Kiều Trần Như, họ thấy Đức Phật quá đẹp thanh tao, hào quang sáng rạng nên tỏ lòng thành kính.  Họ đem nước rửa chân Phật xong cúi sát đầu xuống đất hôn mu chân Ngài.  Phật tử khi lạy Phật chụm hai bàn tay lại, bái Phật rồi quỳ xuống hai tay mở ra tượng trưng hai bàn chân Phật, đầu cúi sát vào hai tay như quỳ hôn mu chân Phật vậy.  Làm như vậy là bỏ cái bản ngã nhỏ bé của mình trong sự thành kính Đức Phật.

Ý nghĩa của lạy Phật.  Có nhiều kiểu lạy lễ.  Lễ sai, lễ đúng. Hình thức bề ngoài không quan trọng lắm.  Quan trọng là trong tâm của mình.

Lễ sai hay cầu danh lễ:  Có người lâu lâu mới đi chùa, lúc vào chùa quỳ mọp xuống hay có khi cúng vái lia lịa như để tỏ cho mọi người thấy ta lạy Phật nhiều đấy. Ngã mạn lễ:  vì bắt buộc vào chùa, đa số là các ông không thích lạy.  Họ lạy bất đắc dĩ trong lòng khó chịu nên chỉ lạy cho xong và không cúi đầu xuống sát đất.

Đạo Phật là Đạo giải thoát, nên phải bỏ cái ngã của mình.  Mỗi lần lễ Phật phải tỏ lòng thành kính, dẹp bản ngã.  Chúng sinh vì ngã nên taọ nghiệp. Trôi nổi trong sinh tử luân hồi. Lạy Phật tội diệt, phước sanh.

Lễ đúng:  thân tâm cung kính lễ.  Tâm hết lòng hết dạ lạy xuống.  Thấy mình không còn là gì nữa.  “Tôi” không còn là số một, chỉ là số không.  Có như vậy mới tạo công đức.

Ai mới ban đầu còn ngượng nghịu không quỳ mọp xuống đất được là vì còn cao ngã.  Đến khi nhìn xung quanh không thấy ai quan tâm tới mình, từ từ quỳ sát đất mình sẽ thấy kết quả công đức sinh tâm hoan hỉ.  Không e dè mà còn cảm thấy gần nơi chân Phật hơn nữa.  Từ đó khi đến chùa lạy Phật một cách thanh thản, tự nhiên, không có gì ngăn cản nữa.

Phần lý của lạy Phật hơi rắc rối một ít.  Cách tu lạy Phật đúng có thể đắc đạo được.  Trong kinh sách có nêu ra 4 phép lạy:  Phát trí thanh tịnh lễ; biến nhập pháp giới lễ; chánh quán lễ; thật tướng bình đẳng lễ.

Hiểu được nghĩa thân tâm cung kính lạy Phật thì công đức sẽ gấp lên trăm ngàn lần.  Pháp giới tùy tâm sinh, tuỳ tâm diệt.  Tâm mở rộng, công đức vô lượng. Tâm eo hẹp công đức chẳng thấy đâu.  Thế nên khi đảnh lễ nên để hết tâm vào đó.

Phát trí thanh tịnh lễ:  Khi lạy xuống một lạy, khởi tâm niệm, lạy một lạy là lạy tất cả mười phương chư Phật.  Không sinh tâm phân biện Phật này, Phật khác.

Biến nhập pháp giới lễ:  Đúng như câu tụng:  “Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì, giá thử đạo tràng như đế châu”.  Giáo lý Hoa nghiêm nói rằng trong tâm không có chướng ngại mà phải dụng tâm, luyện tâm trở nên thuần thục.

Khi lạy Phật quán thân tâm biến nhập Pháp giới. Kéo tâm quán tưởng anh em bà con cô bác, bạn bè sau lưng mình. Trước mình trùng trùng điệp điệp chư Phật. Làm sao quán tâm bao trùm tất cả pPháp giới.  Lạy hết tất cả chư Phật trong pháp giới.  Lạy như vậy được vô số lượng công đức.  Người tu có trí huệ thì tu một kết quả gấp trăm ngàn lần.

Chánh quán lễ:  Có ý thức là khi lạy là lạy Phật trong tâm của mình.  Lạy tượng Phật ở bên ngoài nhưng lại là lạy Phật bên trong cùng một lạy, lạy để trở về cái tự tánh của mình. “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”

Thật tướng bình đẳng lễ:   Lễ mà không còn tự và tha, năng sở, bình đẳng.  Khi lạy Phật mà cũng biết mình cũng có Phật tánh.

Người Phật tử vào chùa phải lễ Phật.

Cúng dường Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.

Theo truyền thống Ấn Độ, cúng là cung cấp, cấp dưỡng, xuất xứ từ chữ bố thí, Dhana.   Bố thí có nhiều loại.  Cúng Phật để gieo duyên với Phật.  Thời xưa các vị A La Hán trở lại làm đệ tử của Ngài là vì có gieo duyên với Đức Phật.  Pháp cúng dường là pháp gieo duyên với đức Phật để khi Đức Phật ra đời sẽ làm đệ tử theo Ngài.

Cúng Pháp:  In Kinh, ấn tống.  Có cách hùn tiền in kinh điển phát không. Mua thỉnh kinh điển để việc in Kinh được tiếp tục.

Cúng Phật:  Hương, hoa, quả, trà, nước, đèn đăng. Các chùa có đèn truyền đăng không bao giờ tắt.  Ánh sáng đèn tượng trưng cho trí huệ, cho ánh sáng Đạo Phật chiếu sáng khắp mười phương.  Khi thắp hương, khói hương sẽ chuyển lời khấn nguyện cho chúng sinh cùng chư thiên nghe.  Có 5 diệu hương cúng dường Phật. Giới hương:  giữ giới thanh tịnh.  Định hương: tâm thanh tịnh.  Huệ hương: trau dồi giáo lý học hỏi tu tập.  Giải thoát hương:  tu tập giải ngã của mình.  Gải thoát chi kiến hương:  vượt qua khỏi chấp pháp.  Xả bỏ chấp kiến.

Người cúng Phật dâng tiến trình tu tập của mình lên Phật sẽ đạt nhiều công đức.

Phật tử ngày nào cũng phải lạy Phật để nhớ ơn Phật.  Lạy Phật tội diệt, phước sanh.

Kim Morris viết theo lời giảng của TT Thích Trí Siêu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người theo dõi

Slider(BỂ KHỔ)

LIÊN KẾT

BẤM ĐÂY ĐỂ LIÊN KẾT>>>

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls
Blogger Gadgets