Sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, và không phải là việc
riêng của người xuất gia. Chính người tại gia, ngay từ thời Phật cho đến nay,
dù ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, sinh hoạt trong giáo hội hay hệ phái
nào, đã đóng một vai trò vô cùng trọng yếu trong tất cả các sinh hoạt của Phật
giáo, trong đó tất nhiên phải kể đến hoằng pháp.
Sau khi đạt được toàn giác, nếu Đức Phật không vận chuyển
bánh xe Chánh Pháp lần đầu tiên tại vườn Nai, nếu bốn chúng đệ tử của ngài suốt
2500 năm qua không tiếp nhận, thực hành và truyền bá giáo lý, sẽ không có Phật
giáo hiện hữu trên đời, và không có Phật Pháp để chúng ta học tập, hành trì
ngày nay.
Không lâu khi Tăng đoàn mới thành lập với 60 thánh giả chứng
đắc A-la-hán, Đức Phật đã có lần kêu gọi các vị này lên đường truyền bá chánh
pháp với lời lẽ thật cảm động như sau:
"Này các Tỳ kheo!... hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của
số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và
người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người
một ngả, hãy truyền bá chánh pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí,
hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được
vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ".[i]
Lời dạy tha thiết này trở thành tuyên ngôn, là cương lĩnh,
nêu rõ động cơ và mục đích của việc hoằng pháp.
MỤC ĐÍCH HOẰNG PHÁP
Không giống bất kỳ tôn giáo nào khác, người theo Phật truyền
bá giáo lý không phải để được ban thưởng đời này hay đời sau, không phải để
vinh danh Đức Phật hay thần linh nào, cũng không phải để mở rộng tổ chức Phật
giáo với cơ sở và quần chúng đông đảo, hoặc mong mỏi Phật giáo trở thành độc
tôn trong một quốc gia, hay trên toàn thế giới.
Động cơ hoằng pháp của Phật giáo là lòng lân mẫn đối với thế
gian.
Mục đích hoằng pháp của Phật giáo rất đơn giản, nhưng tối
quan trọng, và cảm động, đó là: vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông, vì sự tốt
đẹp cho người khác.
Hoằng pháp không phải là để đền ơn Tam Bảo (Phật, Pháp,
Tăng). Hoằng pháp không phải vì đức tối thắng của Phật, không phải vì lẽ cao
siêu của Pháp, cũng không phải vì tính thanh tịnh trang nghiêm của Tăng đoàn.
Hoằng pháp là vì lợi ích, an lạc của chúng sanh. Chỉ có như thế; và đây là ý
nghĩa cao đẹp nhất trong việc truyền bá của Phật giáo; mà cũng chính qua ý
nghĩa này, Phật giáo mới đến với nhân loại bằng con đường hòa bình, khoan dung.
SỨ MỆNH HOẰNG PHÁP
Sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, và không phải là việc
riêng của người xuất gia. Chính người tại gia, ngay từ thời Phật cho đến nay,
dù ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, sinh hoạt trong giáo hội hay hệ phái
nào, đã đóng một vai trò vô cùng trọng yếu trong tất cả các sinh hoạt của Phật
giáo, trong đó tất nhiên phải kể đến hoằng pháp.
Theo cơ cấu hình thành bốn chúng đệ tử Phật, xuất gia có hai
chúng (tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni) thì tại gia cũng có hai chúng (ưu-bà-tắc,
ưu-bà-di), ngang bằng như nhau. Từ điểm này, không thể nói việc hoằng pháp là
việc của Tăng Ni, còn cư sĩ tại gia chỉ là những kẻ hộ trì, hỗ trợ.
Đức Phật là kẻ đã hoàn toàn giải thoát, giác ngộ. Thực hành
lời Phật dạy là nhắm vào mục tiêu giải thoát, giác ngộ như Phật. Trong thời kỳ
không có Phật thì duyên may hãy còn Pháp, là kinh điển, giáo lý do Phật dạy
được ghi chép, truyền lại. Pháp ấy, nếu không có hàng Tăng Ni xuất gia giốc
trọn cuộc đời để hành trì và truyền đạt thì chỉ là học thuyết trên sách vở,
không thể tồn tại như một nền giáo lý thực tiễn sống động, mang lại lợi ích an
lạc cho nhân loại suốt hơn 25 thế kỷ qua. Đây là nền tảng để từ đó Tam Bảo được
hình thành như là biểu tượng nương tựa tâm linh và cũng là mục tiêu hướng đến
của người theo Phật.
Nhưng ai là đối tượng để Tăng Ni truyền đạt Phật Pháp? –
Chính là những người cư sĩ, những người tại gia theo Phật.
Những người cư sĩ đón nhận Phật Pháp ở đâu, khi nào? – Từ
nơi tu viện, chùa chiền, tịnh xá, các đạo tràng và những trụ xứ mà Tăng Ni có
mặt; và vào những thời điểm ở các trụ xứ ấy có Tăng Ni thuyết pháp, giảng dạy
giáo lý.
Nói như thế, có nghĩa rằng những ai có đến chùa gặp Tăng Ni
hoặc nhằm vào thời thuyết giảng của Tăng Ni thì kẻ đó được truyền dạy Phật Pháp
(bằng thân giáo hay khẩu giáo); còn ngoài ra, đều không có cơ hội đón nhận giáo
lý Phật, và không thể nào là đối tượng cho việc hoằng pháp của Tăng Ni. Phật
Pháp nếu chỉ được truyền bá theo cách ấy thì đã hoại diệt từ lâu rồi, không làm
sao tồn tại đến ngày hôm nay.
Vì vậy, nên hiểu rằng hoằng pháp là trách nhiệm của bốn
chúng, trong đó những vị xuất gia là những bậc liễu tri và chứng nghiệm Phật
Pháp, truyền dạy Phật Pháp cho hàng cư sĩ tại gia, trong khi chính mỗi cư sĩ là
người trực tiếp đem đạo vào đời, cải hóa gia đình và xã hội.
CƯ SĨ LÀ AI?
Theo định nghĩa phổ quát của các hệ phái Phật giáo, cư sĩ là
người tại gia theo đạo Phật, đã quy y Tam Bảo, giữ năm giới và hộ trì Tam Bảo.
Chữ cư sĩ được dịch nghĩa từ chữ gahapati trong tiếng Pali (phiên âm là
già-la-việt, hay ca-la-việt); đồng nghĩa với từ upāsaka (ưu-bà-tắc), upāsikā
(ưu-bà-di), dịch nghĩa phổ thông là cận-sự nam và cận-sự nữ (những người thân
cận hộ trì Tam Bảo). Các từ thông dụng khác trong tiếng Việt là phật-tử (con
Phật), thiện nam, thiện nữ, thí chủ, đàn-việt (danapati), tín chủ, v.v… Chữ cư
sĩ trải qua thời gian, mặc nhiên được xem là từ ngữ phổ thông nhất có thể nói
lên tính chất cốt lõi của người tại gia theo Phật.
Tính chất ấy được tìm thấy trong kinh Tăng Chi Bộ, phần
“Thích tử Mahànàma”. Ở đây Đức Phật trả lời Mahànàma câu hỏi thế nào là người
(nam) cư sĩ, thế nào là cư sĩ giữ giới, và thế nào là cư sĩ thực hành tự lợi,
lợi tha.
“Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng
Tăng, cho đến như vậy là người nam cư sĩ.”
“Này, Mahànàma, khi nào người nam cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ
bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say
rượu men, rượu nấu, cho đến như vậy, là người nam cư sĩ giữ giới.”
“Này Mahànàma, khi nào nam cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin
và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ
người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi
nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết
kiến các Tỷ-kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác
nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ
người khác thọ trì những pháp đã được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý
nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp
đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh
pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng
Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi và
lợi tha.”[ii]
Theo đoạn kinh trên, một cư sĩ lý tưởng là người phật-tử tại
gia có đầy đủ tín, giới và thí.
Tín là lòng tin nơi Phật, Pháp và Tăng. Từ sự hiểu biết, quí
kính và tín phụng Phật, Pháp, Tăng, người cư sĩ phát nguyện quy y Tam Bảo, chọn
Đức Phật làm bậc thầy tối thượng biểu trưng cho giải thoát giác ngộ; chọn sự
học hỏi, thực hành và truyền bá Chánh Pháp làm lý tưởng sống; và chọn Tăng đoàn
làm những bậc thầy cao cả, thay mặt Đức Phật hướng dẫn con đường tiến đến giải
thoát giác ngộ.
Giới của người cư sĩ tại gia là năm giới, tức năm điều bảo
vệ con người tránh xa các việc làm tổn hại đến mình và chúng sanh khác: từ bỏ
sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối và từ bỏ say sưa, nghiện
ngập. Giới (sìla) là học xứ (điều cần học và thực hành), là những điều có khả
năng bảo vệ mình tránh những nghiệp xấu-ác. Giới không phải là điều răn cấm cứng
nhắc như thói quen suy nghĩ của nhiều người. Cư sĩ tự nguyện quy y Tam Bảo thì
cũng tự nguyện giữ giới khi hiểu rõ rằng việc giữ giới sẽ bảo vệ đức hạnh của
mình và tạo đời sống an vui, hòa hợp với những người chung quanh. Cư sĩ có thể
tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mình mà phát nguyện giữ thêm các giới khác như
thập thiện, bồ-tát (tại gia); nhưng năm giới là căn bản cần giữ gìn để bắt đầu
một đời sống lý tưởng của người theo Phật.
Thí là việc bố thí, cúng dường. Thí ở đây không giới hạn
trong việc hộ trì Tam Bảo, góp phần in kinh, tô tượng, đúc chuông, xây chùa, mà
còn là thiện ý chia sớt, san sẻ với người khác từ tài vật (tài thí), kiến thức
về đời sống và Phật Pháp (pháp thí), cho đến sự bình an, không sợ hãi (vô úy
thí). Trên căn bản của nhân-quả, bố thí mang lại phước báo cho người thực hành,
do đó, cư sĩ nên thực hiện để tạo thuận duyên cho việc tu tập của mình và tha
nhân. Ngoài phước báo tất phải gặt hái ở đời này hay đời sau, bố thí còn là
phương thức nhằm xả bỏ tâm tham, buông dần những chấp thủ của mình đối với các
ràng buộc của đời sống, trước mắt là qua những gì mình sở hữu (ngã sở).
VAI TRÒ CỦA CƯ SĨ TRONG VIỆC HOẰNG PHÁP
Định danh chi tiết và có tính cách điển chương như trên là
để nhận dạng nhân cách đặc biệt của cư sĩ. Nói chung, cư sĩ là người tại gia
phát nguyện quy y Tam Bảo, giữ giới, thực hành bố thí, học và thực hành Phật
Pháp trong đời sống hàng ngày để lợi mình, lợi người.
Theo ý nghĩa của hoằng pháp là duy trì và truyền bá giáo lý
vi diệu của Phật, các yếu tố nêu trên của
người cư sĩ, nếu thực hiện đúng mức thì đều là việc hoằng pháp.
- Quy y Tam
Bảo chính là hoằng pháp: Trở về nương tựa Phật, tin nơi Phật tánh sẵn có của
mình và lấy việc thành Phật làm cứu cánh tu học; trở về nương tựa Pháp, tin
tưởng giáo lý của Phật có khả năng giải thoát khổ đau, đem lại an vui hạnh phúc
cho mình và cho người; trở về nương tựa Tăng, tin tưởng Tăng là đoàn thể xuất
gia đạo hạnh, dấn mình trên con đường của Phật và có kinh nghiệm dẫn dắt mình
đi theo con đường đó một cách vững chắc. Nương tựa và tin tưởng sâu sắc như
vậy, tự thân người cư sĩ kiên trì giữ đạo, học đạo, khích lệ người thân làm
theo. Pháp Phật nhờ vậy mà được tồn tại và truyền rộng.
- Giữ giới
chính là hoằng pháp: Việc giữ giới của cư sĩ, tức tự nguyện từ bỏ những điều
tiêu cực có thể gây nên rối loạn, phiền não trong đời sống gia đình và xã hội,
tạo nên phẩm cách trong sáng của người đức hạnh, khiến cho kẻ khác tin tưởng,
quí trọng và noi gương. Giữ năm giới không những là tự rèn luyện, trau dồi phẩm
hạnh của mình mà còn là bài học thân giáo, khẩu giáo đối với tha nhân. Ảnh
hưởng của Pháp Phật có thể được nhận xét và đón nhận trực tiếp qua nhân cách
của người cư sĩ giữ gìn năm giới.
- Thực hành
bố thí chính là hoằng pháp: Trong khi giữ giới là tránh xa những điều tổn hại
kẻ khác (không làm các việc ác) thì bố thí là hành động cụ thể nhất để mang lại
lợi ích cho tha nhân (nên làm các việc lành)[iii]. Bố thí đứng hàng đầu trong
tứ nhiếp pháp[iv] mà Phật dạy cho hàng cư sĩ dấn thân vào đời, cải hóa xã hội;
và cũng đứng hàng đầu trong lục độ[v]. Điều này cho thấy, bố thí không phải là
việc hành thiện bình thường mà chính là pháp môn tu, là phương tiện thiện xảo
của hàng bồ-tát nhằm cứu độ và cảm hóa chúng sanh. Về mặt tự lợi, bố thí để
diệt trừ tâm tham đắm chấp thủ, cởi bỏ dần sự chấp ngã (như đã nói ở trước); về
mặt lợi tha, bố thí để cứu nạn đói khổ, thiếu thốn của tha nhân về phương diện
tinh thần cũng như vật chất.
Vậy, qua tín, giới và thí nói trên, cư sĩ đã mặc nhiên thực
hiện việc hoằng pháp trong đời sống hàng ngày. Nói theo ngôn ngữ thông tục, vai
trò của cư sĩ là vai trò của người trực tiếp giữ đạo và truyền đạo.
Đạo, nếu không giữ, sẽ mất; đã mất, lấy đâu mà truyền. Cho
nên, cá nhân mỗi cư sĩ có thể quyết định sự hưng-suy, còn-mất của Phật Pháp
ngay trong gia đình của mình. Tăng Ni truyền dạy Phật Pháp cho cư sĩ nơi giảng
tòa với thời gian giới hạn, nhất định; và để giữ cho Phật Pháp được lưu chuyển
trong nhân gian, chính cư sĩ là những kẻ phải thường trực đối diện và phấn đấu
để vượt qua những lôi kéo, quyến dụ của tài lợi, sắc đẹp, danh vọng, hoặc ngay
cả sự áp bức, đe dọa của cuộc đời, của ngoại đạo, tà giáo và ác đảng.
Cho nên, có thể nói rằng trong việc đem đạo vào đời, truyền
bá chánh pháp, Tăng Ni gián tiếp, cư sĩ trực tiếp. Trực tiếp ở đây là trong 24
giờ, ngày và đêm, người cư sĩ sống và tiếp cận với con người trong gia đình và
xã hội, trải nghiệm những khổ đau, hạnh phúc, phiền não, an lạc, những
được-mất, hơn-thua, vinh-nhục… bằng cả thân và tâm của mình. Đời người cư sĩ,
do vậy, là một cuộc dấn thân, trắc nghiệm sở tri và nội lực tu học của mình
ngay trong kiếp nhân sinh vô thường, thống khổ. Chính cuộc dấn thân ấy là giữ
đạo, truyền đạo; là vai trò hoằng pháp cao đẹp của cư sĩ.
CƯ SĨ MỌI THỜI
Theo tài liệu lịch sử cũng như trong thực tế, hàng cư sĩ đã
có những đóng góp lớn lao và tích cực hơn trong việc hoằng pháp chứ không phải
chỉ qua những gì trình bày ở trước. Một số cư sĩ có thể thuyết giảng hoặc viết
sách biên khảo về giáo lý Phật, hoặc góp phần hoằng pháp qua văn học nghệ
thuật. Trong một số trường hợp, cư sĩ là thầy dạy của các trường Phật học
chuyên khoa dành cho Tăng Ni. Ngoài ra, hình thức cư sĩ của hầu hết các vị
bồ-tát trong kinh điển Đại thừa (Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền,
Duy Ma Cật, Thắng Man, Thiện Tài…) cũng cho thấy vai trò cư sĩ không phải là
nhỏ trong công cuộc hoằng pháp, cứu độ chúng sanh.
Trong quá khứ, không thiếu các cư sĩ nổi danh thời Phật như
vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), trưởng giả Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika), tín nữ
Tỳ-xá-khư (Visākhā); sau thời Phật, có cư sĩ vĩ đại A Dục vương (Ashoka); ở
Trung Hoa có cư sĩ quyền uy như Lương Vũ Đế, có cư sĩ là học giả uyên thâm như
Lương Khải Siêu; ở Việt Nam thời Lý-Trần có các cư sĩ “triều đình” như Lý Công
Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, thời hậu-Lê có cư sĩ
Nguyễn Trãi, thời Trịnh-Nguyễn có cư sĩ Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du, thời cận đại
và hiện đại có các cư sĩ danh tiếng là giáo sư, học giả, nhà văn như Lê Đình
Thám, Mai Thọ Truyền, Thiều Chửu, Đoàn Trung Còn, Trúc Thiên, Nhất Linh, Nghiêm
Xuân Hồng, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn…; cũng không thể không
nhắc đến các cư sĩ tây phương cận đại như Edwin Arnold, Christmas Humphreys, E.
Conze, … và các cư sĩ tiếng tăm lẫy lừng trên màn bạc sân khấu hiện nay tại Hoa
Kỳ như Richard Gere, Steven Segal, Tina Turner, Oliver Stone, Orlando Bloom…
Mỗi người cư sĩ, từ xưa đến nay, khắp các quốc gia trên thế
giới, đã tùy theo hoàn cảnh và căn trí của mình mà đến với Phật giáo, thực hành
giáo lý, góp phần hoằng pháp trong khả năng riêng, bằng những phương thức khác
nhau, qua các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Nhưng đâu là điểm đồng nhất của
hàng cư sĩ mọi thời đại, mọi quốc độ?
Có hai điểm tương đồng đáng lưu ý ở đây: một là, cư sĩ theo
nhân duyên mà đến với Phật, trong một tâm thức tự do, tự nguyện, không hề có sự
bó buộc, cưỡng ép; hai là, cũng với tâm thức tự do, cư sĩ phát nguyện quy y Tam
Bảo (với lễ nghi hoặc chỉ bằng tâm niệm).
Do tự nguyện mà nghi thức quy y Tam Bảo cũng là một chọn
lựa, không phải là điều kiện hay qui định.
Kinh điển ghi chép nhiều cư sĩ đã chứng được thánh quả khi
chỉ một lần nghe Phật thuyết pháp, và hầu hết những vị này phát nguyện quy y
Tam Bảo sau khi giác ngộ. Trưởng giả Úc-già (Ugga) trong Trung A Hàm là một
điển hình[vi]. Điểm này cho thấy vấn đề chứng thánh, giác ngộ, không tùy thuộc
vào việc quy y Tam Bảo mà hệ trọng nơi căn cơ và trí tuệ của mỗi người khi tiếp
nhận và thực hành giáo pháp. Nhưng cũng chính điểm này xác minh tầm quan trọng
của việc quy y Tam Bảo: giác ngộ, chứng quả rồi, các vị thánh cư sĩ ngày xưa
vẫn phải phát nguyện quy y Tam Bảo.
Hãy tạm gác qua hình thức của những buổi lễ trao truyền Tam
Quy – Ngũ Giới dưới sự chứng minh của đại diện Tăng bảo. Hãy tạm gác qua những
phái điệp Quy Y ghi tên và pháp danh của những người hiểu hoặc không hiểu Phật
Pháp, hành hoặc không hành Phật Pháp. Các lễ nghi và hình thức này, có người
được truyền thọ, có người không; có khi được truyền thọ mà lại không hề quy
kính Tam Bảo; có khi chưa hề tiếp thọ mà lại một lòng qui hướng Phật, Pháp,
Tăng.
Ý nghĩa chân thực của việc quy y Tam Bảo là, với lòng hoan
hỷ, kính mộ, với sự thông tuệ, tự do, với tâm thuần nhất, dũng mãnh hướng về
mục tiêu tối hậu là giải thoát giác ngộ (Phật), người cư sĩ khẳng định chính
mình như một con người mới, được sinh ra từ giáo lý thâm diệu (Pháp), quyết
định đặt đời sống của mình trên đạo lộ Trí Tuệ, Từ Bi, dưới sự dìu dắt của
những bậc thầy xuất gia cao quý (Tăng).
Trong tinh thần tự
nguyện và ý nghĩa quy y Tam Bảo như thế, cư sĩ mọi thời đại, mọi nơi chốn, có
chung một tiếng nói, một niềm tin, một con đường cao đẹp; và chỉ những người cư
sĩ như thế mới xứng đáng là kẻ “thừa tự Chánh Pháp”[vii] của Thế Tôn.
[i] Mahàvagga – Đại Phẩm, Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng
phẩm thứ 2, đoạn 32. Xem bản dịch của Indacanda Nguyệt Thiên,
http://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-00.htm.
[ii] Tăng Chi Bộ tập 2, chương Tám Pháp, phẩm Gia Chủ, phần
Mahànàma, HT. Thích Minh Châu dịch (phiên bản điện tử, trang 524).
[iii] “Không làm các điều ác, nên làm các điều lành”, Kinh
Pháp Cú, câu 183.
[iv] Bốn phương thức cảm hóa chúng sanh, gồm có: bố thí, ái
ngữ, lợi hành và đồng sự.
[v] Sáu pháp ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh
tấn, thiền định và trí tuệ.
[vi] Trung A Hàm, phẩm Vị Tằng Hữu Pháp, kinh Úc-già Trưởng
giả (I), Tuệ Sỹ dịch, phiên bản điện tử:
http://www.quangduc.com/kinhdien/Trungaham/trungah04-38.html
[vii] Trung Bộ Kinh, Kinh Bất Đoạn - Anupada Sutta, HT.
Thích Minh Châu dịch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét