Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Ðạo Phật với sự phát triển cân đối hài hoà giữa vật chất và tinh thần


imageLời dạy của Ngài soi sáng con đường, nhờ đó nhân loại có thể vượt thoát một thế giới đầy khổ đau, để từ đó đến một thế giới hoàn mỹ cả tinh thần và vật chất, đời sống đạt đến an bình và hạnh phúc.

Ngày nay, thời đại mà mọi giá trị vật chất biến đổi nhanh chưa từng có theo luật vô thường. Thực tế mà nhìn, chúng ta phải công nhận rằng tiến bộ về vật chất đã tác động vào mọi mặt của đời sống tinh thần xã hội. Nó đã tạo ra những bước nhảy vọt mang lại nhiều giá trị tinh thần, đưa con người vượt qua khúc quanh của lịch sử, hướng tới hạnh phúc chân thật.
Thánh Ðức thái tử Nhật Bản có nói: "Giống như pháp đắc tài(1) là tịnh mạng(2)" nghĩa là sự giàu có về vật chất sẽ làm trong sạch sinh mạng. Tuy nhiên việc làm giàu ở đây phải là kết qủa của hành vi phụng sự cho xã hội, giúp ích cho mọi người. Làm giàu là cần thiết trước tiên sẽ làm sung túc nhu cầu cơ bản cho mọi người, nhưng phải hướng nó vào mục đích phục vụ việc sáng tạo ra giá trị thiện. Nếu mọi người chỉ truy cầu sự giàu có mà quên đi mặt đạo đức thì họ sẽ rơi vào cái vòng tham lam, xã hội tự nó sẽ đi đến chỗ băng hoại. Trong Phật giáo, có câu: "tài sản là cái do nhân duyên mà tạm thời được gửi nơi mình". Từ lời dạy này, chúng ta nên dùng tài sản như giá trị "lợi" để ban phát, tạo hạnh phúc cho tha nhân, hay ít ra cũng tạo nên cơ sở sinh tồn kẻ khác. Chỉ có sống một cuộc dời vì sự sung túc "nhu cầu cơ bản" của mọi người - vì giá trị thiện của toàn nhân loại, mới có được chân của hạnh phúc. Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: "tri thế (3) sản nghiệp(4) khắp thế gian đều không ngoài thực tướng(5). Chỉ trong chính trị, kinh tế và sinh hoạt hàng ngày, "thực tướng" hay là pháp của chân như mới hiển lộ. Chỉ có thông qua quan hệ với mọi người chúng ta mới có thể hiểu được pháp lý tối cao. Minh sư Nhật Liên ở thế kỷ thứ XIII đã nói: "Hiểu thật thấu đáo cái Pháp trị khắp thế gian mới là trí giả được".
Trong mọi sinh hoạt của con người, hoạt động kinh tế là cơ bản. Vì vậy, truy cầu giá trị có tính kinh tế là yếu tố quan trọng trong hạnh phúc đời người. Chỉ khi nào chúng ta có một đời sống vật chất sung mãn nhờ vào "pháp", thì sẽ là có duyên trên con đường thăng tiến tinh thần. Hình ảnh Thiện Tài Ðồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm mà Phật nêu ra chính là mẫu người nhờ giàu có mà ông trở thành Bồ Tát.
Theo Phật, giàu có theo "pháp" là một phúc báu. Giàu có sẽ là những điều kiện cần thiết cho tâm an vui, thân khoẻ mạnh. Ðó chính là nhân duyên đưa ta đến chân hạnh phúc Niết Bàn. Người hiền lành rộng lượng, có hằng sản sẽ có nhiều bạn tốt, làm được nhiều việc, nhận thức thường không sai lầm. Nhờ vậy, cuộc đời tốt đẹp đi lên. Khi hoạ đến thì trí không còn thông minh, quyết định sai lầm thường được kinh Phật diễn tả là hoa trên đầu chư thiên bị héo tàn. Vì quyết định sai, tài sản bị mất thì người cộng tác cũng sa vào nghèo đói, bất mãn chống đối, ta phải đối phó, sinh tâm buồn bực, đau khổ, ngã bệnh và chết.
Tiền của có được nhờ "pháp" sẽ là nhân duyên của nhiều phước báu khác. Có phúc báu của cải tự tìm đến. Khi phúc báu không còn, của cải tự ra đi, cuộc đời cũng theo đó mà xuống dốc.
Trưởng giả giải thoát được Phật minh thị trong kinh Hoa Nghiêm là mẫu người giàu có nhờ phước báu. Giàu có, luôn nghe pháp Phật, Ông nhìn thấy sự việc chính xác để quyết định đúng. Kinh Hoa Nghiêm chỉ rõ: "trưởng giả giải thoát do sức thiện căn quá khứ, do sức oai thần của Phật, do  niệm lực của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, mà nhập Bồ Tát tam muội tên là "vô biên triền đà la ni nhiếp tất cả cõi Phật" (Phẩm Nhập Pháp giới, Kinh Hoa Nghiêm).
Trong đạo Phật, nghĩa chữ đà la ni rất rộng, có khi nó được gọi là "pháp", có khi gọi là "pháp môn", có khi là câu thần chú, có khi là một khả năng tâm thức, một diệu đức. Khi một hành giả tu trong tàng thức lâu rồi, thì tàng thức nở ra nhiều thứ diệu đức, như một cụm hoa đến thời kỳ nở vậy. Diệu đức lâu rồi trở thành một lực gọi là diệu lực, chẳng hạn như khả năng chỉ nói một lời, có thể khiến tâm thức người khác thấy mát mẻ, bớt giận, hoặc nghe tất cả ngữ ngôn chúng sinh, đó cũng gọi là "đà la ni".
Trưởng giả giải thoát vào trong "vô biên triền đà la ni, nhiếp tất cả cõi Phật" có nghĩa là khả năng tâm thức của ngài có thể xoay chuyển tất cả: "Thần thông biến hoá, tất cả đại nguyện" (Phẩm nhập Pháp giới, Kinh Hoa Nghiêm).
Khởi một niệm là Ông biết tất cả: "Nếu ta muốn thấy thế giới an lạc, đức A Di Ðà Như Lai thời tuỳ ý thấy liền. Nếu ta muốn thấy chiên đàn thế giới, Kim Cang Quang Minh Như Lai, diệu hương thế giới, Bửu Quang Minh Như Lai, Bảo Liên hoa thế giới, Bảo Liên Hoa Quang Minh Như Lai, diệu kim thế giới, Tịch Tịnh Quang Như Lai... tất cả chư Như Lai như vậy đều tuỳ ý liền thấy. Nhưng chư Như Lai chẳng đến đây, ta cũng không qua đó... Biết tất cả chư Phật cùng tâm ta đều như mộng. Biết tất cả sắc tướng của Chư Phật và tâm mình đều như huyễn. Biết tất cả Phật và tâm minh thảy đều như vang (Phẩm Nhập pháp giới, kinh Hoa Nghiêm).
ở đây, trưởng giả giải thoát đã thành tựu đạt đến sự viên dung của tâm thức. Từ trong tâm thức, tất cả thế giới đều hiện lên: "Ta biết như vậy, ức niệm như vậy, chư Phật được thấy đều do tự tâm. Thiện nam tử, phải biết Bồ tát tu những Phật pháp, tịnh những Phật độ, tích tập diệu hạnh, điều phục chúng sinh, phát đại thệ nguyện, nhập nhất thiết trí tư tại du hí bất tư nghì môn giải thoát, được Phật bồ đề hiện đại thần thông, qua khắp tất cả mười phương pháp giới, dùng vi tế trí nhập khắp các kiếp, tất cả như vậy đều do tự tâm" (Phẩm Nhập pháp giới, kinh Hoa Nghiêm).
Hình ảnh trưởng giả giải thoát giàu có theo "pháp" thành Bồ Tát cứu đời là một minh thị cho tinh thần Phật pháp nhập thế cứu đời. Thời Phật tại thế, có ông Cấp Cô Ðộc, một vị trưởng giả nổi tiếng dành thì giờ nghe Phật thuyết pháp, dốc tất cả tài sản để cúng dường mà phúc báu vẫn tăng trưởng, của cải không bị cạn kiệt.
Ðạo Phật ra đời phụng sự con người đạt đến an bình hạnh phúc. Không mang lại hạnh phúc cho con người, đạo Phật mất sứ mạng.
Sống trong xã hội hiện đại càng thấy rõ hơn những nguyên lý và phương pháp mà Ðức Phật dạy. Giáo lý như là phương tiện đem vào cuộc đời làm sung mãn vật chất và tinh thần, làm cho đời sống đạt tới trạng thái hoàn mỹ thống nhất giữa linh hồn và thể xác.
Ngày nay, đứng trên quan điểm Phật giáo, để đạt được một đời sống an bình và hạnh phúc, sống một cuộc đời sung mãn, chúng ta phải hướng về sáng tạo giá trị trong nghề nghiệp cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Sống và làm việc nương theo "pháp", con người mới có thể tìm được sứ mạng đích thực của mình trong cuộc sống. "Pháp" ở đây là cái có tính phổ biến, tính tôn giáo ngầm chảy trong mạch sống của tất cả mọi người. Ðồng thời đây cũng là "pháp" nối liền con người với thiên nhiên bao la vô tận đại vũ trụ. Pháp phổ biến ngầm chảy và nối liền sinh mạng với vũ trụ.
Những giáo huấn của Ðức Phật cho một đời sống hạnh phúc đã và đang chỉ dạy cho con người thoát khỏi khổ đau trong chính kiếp sống này.
Lời dạy của Ngài soi sáng con đường, nhờ đó nhân loại có thể vượt thoát một thế giới đầy khổ đau, để từ đó đến một thế giới hoàn mỹ cả tinh thần và vật chất, đời sống đạt đến an bình và hạnh phúc.
Trải qua hai mươi lăm thể kỷ, lời dạy xa xưa của Ngài vẫn còn đủ mạnh để đương đầu với biết bao nhiêu thử thách của thế giới ngày nay. Giáo lý này không mâu thuẫn với sự phát triển của đời sống vật chất, những thành quả của khoa học hiện đại.
Theo đúng giáo lý này, chúng ta tin rằng bất cứ ai cũng có thể có một đời sống sung mãn cả tinh thần và vật chất nếu họ biết hành động theo "Pháp". Chính nó sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để giúp nhân loại hướng về một cuộc sống tích cực và tốt hơn.

(1) Ðắc tài: Thu hoạch tài sản bằng sản xuất kinh doanh
(2) Tịnh mạng: Làm trong sạch mạng sống
(3) Trị thế: Tất cả mọi hoạt động phi sản xuất để ổn định xã hội
(4) Sản nghiệp: Tất cả mọi hoạt động có tính sản xuất
(5) Thực tướng: Chân dung thực của xã hội, vạn vật và vũ trụ
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người theo dõi

Slider(BỂ KHỔ)

LIÊN KẾT

BẤM ĐÂY ĐỂ LIÊN KẾT>>>

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | cheap international calls
Blogger Gadgets