Bài kinh Kalama, trong Tăng Chi bộ, chương Ba Pháp, thường
được nhiều người xem như là một "Hiến chương Phật giáo về Tự do Trạch
vấn". Mặc dù bài kinh bác bỏ các tư duy giáo điều và lòng tin mù quáng,
vấn đề ở đây là bài kinh có thật sự mang những ý nghĩa mà người ta thường gán
ghép vào đó hay không? Dựa vào một đoạn duy nhất của bài kinh, thường được
trích dẫn sai lạc ra ngoài mạch văn, người ta thường nghĩ rằng Đức Phật là một
nhà chủ nghĩa thực nghiệm, bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, và Pháp của Ngài
chỉ là công cụ của một người tư duy tự do để đạt chân lý, và mời gọi mỗi người
chấp nhận hay bác bỏ bất cứ điều gì theo sở thích của họ.
Thế nhưng, bài kinh Kalama có thật sự biện minh cho quan
điểm đó không? Hay chúng ta thấy ở đây chỉ là một tập hợp các dạng thái khác
nhau của khuynh hướng trơ trẽn xưa cũ là đánh đồng Giáo Pháp với những gì thích
hợp với mình -- hoặc thích hợp với những người đang nghe mình thuyết giảng?
Trong giới hạn của bài viết ngắn này, chúng ta hãy đọc lại toàn bộ bài kinh
Kalama, và cũng cần nên nhớ rằng để hiểu đúng lời Phật dạy, chúng ta cần phải
tìm hiểu ý định của Ngài khi nói ra các lời dạy đó.
*
Đoạn kinh thường được nhiều người trích dẫn như sau:
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu,
đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi
trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư
duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị
ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình."
"Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất
thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp
này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy
từ bỏ chúng. ... Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các
pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu
được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến
và an trú".
Đoạn kinh này, cũng như những đoạn khác ghi lại trong kinh
điển, Đức Phật nói ra trong một ngữ cảnh đặc biệt -- cho thính chúng trong một
bối cảnh đặc biệt nào đó -- và vì thế cần phải hiểu trong ngữ cảnh đó. Các
người trong bộ tộc Kalama, cư dân của thị trấn Kesaputta, được nhiều vị đạo sư
với những quan điểm khác nhau đến viếng thăm, mỗi vị đề cao giáo thuyết của
mình và bôi bác giáo thuyết của người khác. Điều này làm cho những người Kalama
hoang mang. Khi biết ẩn sĩ Gotama, được ca ngợi là bậc Giác Ngộ, đến viếng thị
trấn, họ đến yết kiến Ngài, với hy vọng rằng Ngài sẽ giúp giải tỏa các sự hoang
mang, nghi ngờ của họ. Khi đọc tiếp các đoạn sau của bài kinh, chúng ta thấy rõ
ràng các vấn đề làm cho họ hoang mang là về sự tái sinh và hậu quả của các hành
động thiện và ác.
Đức Phật bắt đầu bằng cách trấn an những người Kalama rằng
trong tình huống như thế, họ nghi ngờ hoang mang là đúng, và Ngài khuyến khích
họ nên trạch vấn. Tiếp theo, Ngài nói với họ những điều như đã được ghi trong
đoạn kinh trích dẫn ở trên, khuyên họ nên từ bỏ những điều họ tự biết rõ là bất
thiện, và thực hành những những điều họ tự biết rõ là thiện. Lời khuyên này có
thể nguy hiểm cho những ai không có luân lý đạo đức, và chúng ta có thể hiểu
rằng ở đây, Đức Phật xem những người Kalama này là những người có đạo đức tốt.
Dù thế nào, Ngài cũng không để cho họ tự mình suy diễn, mà Ngài còn khéo léo
hỏi họ để cho họ thấy tham sân si đưa đến bất hạnh, khổ đau cho mình và cho
người khác, và chúng phải được từ bỏ. Trái lại, tâm vô tham, vô sân, vô si sẽ
đưa đến an lạc, hạnh phúc, và vì thế, cần phải được nuôi dưỡng.
Tiếp theo, Đức Phật giảng rằng một “vị Thánh đệ tử ly tham,
ly sân, ly si” sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm vô lượng Từ,
Bi, Hỷ, Xả bao trùm toàn thế giới. Với tâm thanh tịnh, không oán thù, không ác
hại như vậy, vị ấy có được “bốn sự an ổn” ngay bây giờ và tại nơi đây: (i) nếu
có đời sau và nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại
mạng chung, vị ấy sẽ sinh vào cõi thiện lành; (ii) nếu không có đời sau và nếu
không có kết quả dị thục, vị ấy vẫn sống tự tại và an lạc tại đây và ngay bây
giờ; (iii) nếu có quả xấu trổ ra bởi nghiệp ác, vị ấy không chịu quả xấu; và
(iv) nếu quả xấu không trổ bởi nghiệp ác, cũng không ảnh hưởng gì đến vị ấy vì
ý nghĩ lẫn hành động của vị ấy đều trong sạch. Sau khi nghe giảng như thế, các
người Kalama tỏ lòng tri ân và tán thán Đức Phật, rồi xin Ngài cho phép họ quy
y Tam Bảo.
*
Bài kinh Kalama có đề nghị, theo quan điểm của nhiều người,
rằng một người Phật tử có thể bác bỏ mọi giáo thuyết và lòng tin, rằng người ấy
chỉ cần dựa theo kinh nghiệm cá nhân của mình như là tiêu chuẩn để đánh giá các
lời dạy của Đức Phật và để bác bỏ những gì mà mình không thể dung hợp, hay
không? Đúng rằng Đức Phật không đòi hỏi những người Kalama phải chấp nhận những
gì Ngài nói vì họ có lòng tin nơi Ngài, nhưng chúng ta cần phải ghi nhận một
điểm quan trọng: những người Kalama này, khi bắt đầu bài kinh, chưa phải là đệ
tử của Đức Phật. Họ đến gặp Ngài và xem Ngài chỉ như là một vị cố vấn, để nghe
những lời khuyên khả dĩ giúp họ xóa tan sự nghi ngờ thắc mắc của họ, nhưng họ
chưa xem Ngài là đấng Như Lai, bậc Toàn Giác, là vị có thể chỉ cho họ con đường
tâm linh đưa đến giải thoát tối hậu.
Bởi vì các người Kalama không có ý định đến gặp Đức Phật để
tìm hiểu sứ mạng hoằng pháp của Ngài, để tìm hiểu con đường giải thoát, cho nên
chưa phải là dịp để Đức Phật thuyết giảng về Giáo Pháp cao diệu của Ngài, chẳng
hạn như là Tứ Diệu Đế, tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã), và các pháp quán
niệm. Giáo Pháp này chỉ giảng đặc biệt cho những ai đã chấp nhận Đức Phật là vị
Thầy dẫn đường giải thoát. Trong các bài kinh khác, Ngài chỉ thuyết giảng cho
những ai đã có "lòng tín thành nơi Đức Như Lai” và cho những ai đã có đầy
đủ phước duyên để thông hiểu và thực hành các lời dạy đó. Những người Kalama
này, ngay trong đoạn đầu bài kinh, chưa phải là thửa đất mầu mỡ để Ngài gieo
các hạt giống giáo pháp giải thoát. Họ còn đang hoang mang về các lời tuyên bố
trái ngược nghe được từ các vị đạo sĩ khác, tâm họ vẫn chưa rõ ràng, ngay cả về
nền tảng căn bản của đạo đức.
Vì thế, sau khi khuyên họ không nên tin dựa theo các truyền
thống sẵn có, dựa theo lý luận trừu tượng, dựa theo các bậc đạo sư khéo thuyết,
Đức Phật trình bày những gì có thể kiểm chứng tức khắc và có khả năng thiết lập
một nền tảng vững chắc cho đời sống đạo đức và thanh tịnh tâm hồn. Ngài dạy
rằng cho dù có hay không có tái sinh sau khi chết, một đời sống có đạo đức và
có lòng từ bi với mọi loài chúng sinh tất nhiên sẽ mang đến phần thưởng quý báu
ngay bây giờ và ở nơi đây, đó là sự an bình và hạnh phúc nội tâm, cao quý hơn
tất cả các khoái lạc mong manh khi con người vi phạm các nguyên tắc đạo đức và
chạy theo lòng tham dục. Cho những ai dù chưa sẵn sàng chấp nhận có đời sau, có
đời sống khác sau khi chết, lời dạy như thế sẽ đảm bảo sự an vui hiện tại của
họ, và nhờ thế, có khả năng giúp họ tái sinh về cõi thiện lành.
Mặt khác, cho những ai có khả năng hiểu biết và chấp nhận sự
hiện hữu của chúng ta qua tái sinh luân hồi, lời dạy của Ngài cho những người
Kalama vượt qua các tác động tức thời và chỉ thẳng vào cốt lõi của Giáo Pháp.
Ba trạng thái tâm -- tham, sân, si -- được Ngài đem ra thuyết giảng không phải
chỉ là căn bản của tà hạnh và uế nhiễm trong tâm. Trong khung giáo lý của Ngài,
đó là cội nguồn của lậu hoặc -- là nguyên nhân chính của tất cả mọi ràng buộc
và đau khổ -- và toàn thể Giáo Pháp có thể xem như là pháp hành để diệt sạch ba
cội rễ ác hại này, bằng cách phát triển toàn hảo ba liều thuốc hóa giải: xả ly,
từ bi và trí tuệ.
*
Như thế, bài giảng cho các người Kalama trình bày cách thử
nghiệm tốt để mang lại sự tín nhiệm nơi Giáo Pháp như là một giáo thuyết khả
thi đưa đến giải thoát. Giáo Pháp bắt đầu với một lời dạy có thể chứng nghiệm
tức thời, giá trị của lời dạy ấy có thể thấy được bởi bất cứ người nào có đạo
đức tốt và thực hành nghiêm túc cho đến kết luận cuối cùng, nghĩa là có thể
thấy được: các lậu hoặc trong tâm gây tai hại và đau khổ cho mình và cho xã
hội, đoạn trừ lậu hoặc sẽ mang đến an bình và hạnh phúc, và các pháp hành mà
Đức Phật đã dạy là những phương cách hiệu quả để đoạn trừ các lậu hoặc đó. Bằng
cách tự thử nghiệm lời dạy này, chỉ cần tạm thời đặt lòng tin nơi Đức Phật như
hành trang đi đường, cuối cùng rồi ta sẽ có được một sự tin tưởng vững chắc,
dựa trên kinh nghiệm thực chứng, nơi uy lực giải thoát và thanh tịnh hóa của
Giáo Pháp. Sự tin tưởng nơi lời dạy ấy sẽ mang lại lòng tịnh tín sâu xa nơi Đức
Phật là vị Thầy, và từ đó, ta sẽ chấp nhận các nguyên tắc hành trì mà Ngài
truyền giảng để giúp ta tiến bước trên con đường đưa đến giác ngộ, ngay cả khi
chúng vượt ngoài khả năng kiểm chứng của ta. Đây chính là đánh dấu sự khai mở
Chánh Kiến, bước đầu tiên của Bát Chánh Đạo.
Một phần vì phản ứng chống lại chủ nghĩa giáo điều, một phần
vì quỵ lụy vào kiến thức khoa học khách quan, khuynh hướng thời thượng ngày nay
là vội vàng suy diễn cho rằng Đức Phật bác bỏ mọi lòng tin và giáo thuyết đã
thiết lập, và cho rằng Ngài dạy chúng ta chỉ chấp nhận những gì ta có thể tự
kiểm nghiệm, qua bài kinh Kalama. Tuy nhiên, sự suy diễn này không chính xác.
Chúng ta đừng quên rằng đây là các lời khuyên của Đức Phật đến những người
Kalama khi họ chưa sẵn sàng tin Ngài và Giáo Pháp của Ngài; cũng bởi lẽ ấy, bài
kinh đã không đề cập gì đến Chánh Kiến và cả bầu trời tươi sáng khi có được một
cái nhìn chân chính. Trái lại, bài kinh chỉ đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất
để họ có được một đời sống hiền thiện, khi vấn đề về đức tin tối hậu được tạm
thời gác sang một bên.
Ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng lời Đức Phật dạy trong
bài kinh bao gồm những gì mà chúng ta có thể tự thực chứng trong kinh nghiệm
đời sống hằng ngày; rồi từ đó, sẽ là cơ sở vững chắc để ta đặt niềm tin vào
những khía cạnh khác của Giáo Pháp, vượt qua những kinh nghiệm thông thường của
ta. Đức tin trong Phật Pháp không bao giờ được xem như là cứu cánh, cũng không
đủ bảo đảm để giác ngộ giải thoát, mà chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình
thăng hoa chuyển hóa nội tâm để khai mở tuệ quán. Để tuệ quán thực hiện được
chức năng giải thoát, nó cần phải được khai mở trong bối cảnh nắm bắt chính xác
các chân lý trọng yếu về vị trí của chúng ta trong thế gian và về phạm vi của
giải thoát. Các chân lý này đã được Đức Phật hoằng truyền từ sự hiểu biết thâm
sâu của Ngài về bản chất của con người. Chấp nhận các chân lý đó với lòng tín
thành, sau khi xem xét kỹ lưỡng, là đặt bước đầu tiên trên cuộc hành trình
chuyển hóa niềm tin thành trí tuệ, sự tín nhiệm thành sự chắc chắn, và đưa đến
giải thoát khỏi mọi đau khổ.
Tỳ khưu Bodhi
(Buddhist Publication Society, Newsletter No. 9, Sri Lanka,
1988)
Bình Anson lược dịch
(Perth, Australia, tháng 7-2006)
Kinh Kalama
(Tăng Chi III.65)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Thế Tôn du hành trong xứ Kosala, cùng với đại
chúng tỳ khưu đi đến thị trấn Kesaputta của bộ tộc Kalama.
Các người Kalama ở Kesaputta được nghe: “Du sĩ Gotama là bậc
xuất gia của dòng họ Thích-ca đang du hành trong xứ Kosala, vừa đến Kesaputta. Tiếng
đồn tốt đẹp về Ngài Gotama được truyền đi như sau: Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh
đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Ðiều ngự
trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Ngài giảng Pháp cao diệu, rõ ràng,
đầy đủ từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối. Ngài tuyên bố đã chứng đắc
đạo quả tối thượng bằng chính tuệ giác của Ngài đến toàn thể thế giới của chư
thiên và nhân loại. Ngài có đời sống phạm hạnh hoàn toàn tinh khiết. Lành thay,
nếu chúng ta được yết kiến một vị Ứng cúng như vậy”.
Rồi các người Kalama ở Kesaputta đến yết kiến Thế Tôn. Sau
khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên
những lời chào đón thăm hỏi thân thiện với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có
người cung kính chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng
tên họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng ngồi xuống một bên.
* * *
Sau khi ngồi xuống, các người Kalama ở Kesaputta thưa với
Thế Tôn:
- Bạch Ngài, có một số du sĩ, Bà-la-môn, đến Kesaputta. Họ thuyết
minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ bài xích, khinh miệt, chê bai và
xuyên tạc giáo lý người khác. Lại có một số du sĩ, Bà-la-môn khác đến
Kesaputta, họ cũng thuyết minh và phát huy giáo lý của mình, nhưng họ cũng lại
bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc giáo lý người khác. Bạch Ngài, đối
với những người ấy, chúng con nghi ngờ phân vân: "Trong những du sĩ,
Bà-la-môn này, ai nói đúng sự thật, ai nói không đúng sự thật?"
- Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ,
phân vân! Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.
Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì
đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh
điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi
lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có
uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
* * *
- "Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết
rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người
trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất
hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng."
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê khởi lên
trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
- Đem đến đau khổ, bạch Thế Tôn.
- Này quý vị, người nào có tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm bị
tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ sát sinh, lấy của không cho,
tà dâm, nói dối, và khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy
bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
- Bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau
khổ không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ
đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
- Như vậy, này quý vị, hãy ghi nhớ điều Ta vừa nói:
"Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng
tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong
kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy
trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy
có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ:
‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí
chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh
khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng".
* * *
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu,
đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi
trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư
duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì
vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ:
‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí
ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh
phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".
Quý vị nghĩ thế nào? Khi tham lam, sân hận, si mê không hiện
hữu trong tâm người nào, sẽ đem đến lợi lạc hay đau khổ?
- Đem đến lợi lạc, bạch Thế Tôn.
- Này quý vị, người nào không có tâm tham, không có tâm sân,
không có tâm si, không bị tham sân si chinh phục và xâm chiếm, người ấy sẽ
không sát sinh, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không
khích lệ kẻ khác làm ác như vậy. Do đó, có làm cho người ấy lợi lạc hạnh phúc
lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Quý vị nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Không có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người trí quở trách hay không bị người trí quở trách?
- Không bị người trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, có đưa đến lợi lạc hạnh
phúc không? Ở đây, chúng sẽ tác động như thế nào?
- Nếu được thực hiện và chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng sẽ
đưa đến lợi lạc hạnh phúc. Ở đây, chúng sẽ tác động như thế.
- "Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu,
đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi
trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư
duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì
vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ:
‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí
ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh
phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú".
* * *
- Này quý vị Kalama, vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si
như vậy, vị ấy sống tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Từ bao trùm
phương thứ nhất, phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy,
tỏa khắp mọi nơi, bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng
sinh trên thế giới, vị ấy an trú với tâm Từ cao quý, rộng lớn, không giới hạn,
không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống
tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Bi bao trùm phương thứ nhất,
phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi,
bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới,
vị ấy an trú với tâm Bi cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống
tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Hỷ bao trùm phương thứ nhất,
phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi,
bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới,
vị ấy an trú với tâm Hỷ cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
Vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si như vậy, vị ấy sống
tỉnh giác, chánh niệm, an trú và tỏa rộng tâm Xả bao trùm phương thứ nhất,
phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư. Cũng như vậy, tỏa khắp mọi nơi,
bên trên, phía dưới, ngang dọc, đến tất cả mọi loài chúng sinh trên thế giới,
vị ấy an trú với tâm Xả cao quý, rộng lớn, không giới hạn, không oán thù.
* * *
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù,
không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại
đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn:
i) "Nếu có đời sau, nếu có kết quả dị thục do các
nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh vào cõi thiện
lành"; đây là an ổn thứ nhất vị ấy có được.
ii) "Nếu không có đời sau, nếu không có kết quả dị thục
do các nghiệp thiện ác, tại đây và ngay bây giờ, ta vẫn sống tự tại, an lạc,
với tâm không oán thù, không ác hại"; đây là an ổn thứ hai vị ấy có được.
iii) "Nếu có quả xấu trổ ra cho người làm nghiệp ác,
nhưng ta không tác ý làm điều ác hại cho bất cứ ai; do vậy, làm sao quả xấu đó
có thể tác động đến ta?”; đây là an ổn thứ ba vị ấy có được.
iv) "Nếu quả xấu không trổ ra cho người làm nghiệp ác,
cũng không tác động gì đến ta, vì tâm ta thanh tịnh và thân ta không làm điều
ác”; đây là an ổn thứ tư vị ấy có được.
Vị Thánh đệ tử ấy, này quý vị Kalama, với tâm không oán thù,
không ác hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại
đây, vị ấy đạt được bốn sự an ổn này.
- Sự việc là như vậy, bạch Thế Tôn! Sự việc là như vậy, bạch
Thiện Thệ! Vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, với tâm không oán thù, không ác
hại, với tâm thanh tịnh không uế nhiễm như vậy, ngay bây giờ và tại đây, vị ấy
đạt được bốn sự an ổn này.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế
Tôn! Ngài đã thuyết giảng Chánh Pháp rõ ràng bằng nhiều phương cách, như người
dựng đứng những gì bị xô ngã xuống, hay phô bày những gì bị che phủ, hay chỉ
đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong tối để những ai có mắt
có thể thấy tường tận. Nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Kính xin Ngài nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ; từ bây giờ cho đến mạng chung,
chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
(Bình Anson trích dịch, 07-2006)
-ooOoo-
Tham khảo:
1) "Kinh Kalama", bản dịch Việt ngữ của Hòa thượng
Thích Thiện Châu.
2) "Kinh Kalama (Tăng chi bộ)”, bản dịch Việt ngữ của
Hòa thượng Thích Minh Châu.
3) "The Instruction to the Kalamas", bản dịch Anh
ngữ của Bhikkhu Soma.
4) "To the Kalamas", bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu
Bodhi.
* Tựa bài do BBT đặt lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét