"Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y
tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng
chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác".
Một lần, khi Ðức Phật nhuốm bệnh ở Beluvà, trước sự lo âu
buồn khổ của tôn giả Ananda (Trường III, trang 101), và một lần khác, trước tin
tôn giả Sàriputta (Xá lợi Phất) đã mệnh chung và trước sự lo âu của tôn giả
Ananda (A Nan) (Tương V, 170), Ðức Phật đã tuyên bố lời dạy này, vừa là lời chỉ
dạy tóm thâu mọi phương pháp tu hành của ngài được cô đọng lại, và cũng là một
lời trăn trối của một bậc Ðạo sư biết mình sắp lâm chung, nên có những lời nhắn
nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc
Ðạo sư viên tịch:
-- "Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho
chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ
y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ
nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác ...
Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo trú quán trên thân, nhiệt tâm,
tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Trú quán thọ trên các cảm thọ
... trú quán tâm trên các tâm, trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh
giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Như vậy này Ananda, Tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính
mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp
làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì
khác.
Này Ananda, những ai, hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự
mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái
gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không
nương tựa một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng
trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi".
Ở đây vì chữ Dipa vừa có nghĩa là ngọn đèn, vừa có nghĩa là
hòn đảo nên có thể dịch: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, hay Tự mình xây dựng hòn
đảo cho chính mình. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình.
Trong lời dạy đặc biệt quan trọng và hy hữu này, Ðức Phật
nhấn mạnh hai điểm. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy y tựa chính
mình, không y tựa một ai khác. Hãy lấy chánh pháp làm ngọn đèn, hãy lấy chánh
pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác. Chính hai quan điểm
này có thể được xem là phản ảnh trung thực đời sống tìm đạo, hành đạo, chứng
đạo của Thế Tôn dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài và cũng gói ghém trọn
vẹn tất cả giáo pháp Ngài dạy trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài để
truyền lại cho hàng đệ tử.
Thật vậy, chúng ta thấy rõ, trong hơn sáu năm tầm đạo, hành
đạo và chứng đạo, Thế Tôn đã tự mình dùng nỗ lực cá nhân, đã tự mình tự lực tìm
đạo, hỏi đạo với hai vị đạo sư ngoại đạo thời danh là Alara Kalama và Uddaka Ràmaputta,
đã tự mình tự lực hành trì khổ hạnh, đã tự mình tự lực hành thiền, và cũng tự
mình tự lực phát triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây Bồ Ðề, thành
bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện
thân của một đấng thiêng liêng nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao
nào. Ngài chỉ là một người, với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã
tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết
quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn, như chúng ta đã thấy
rõ trong đời sống của Ngài, nếu chúng ta gạt bỏ qua một bên những thêm thắt về
sau để thần thánh hóa đời sống của Ngài.
Ngài đã tự lực tìm đạo và học đạo và tự diễn tả như sau:
"Không phải chỉ Alara Kalama có lòng tin, Ta cũng có
lòng tin. Không phải chỉ Alara Kalama có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không
phải chỉ Alara Kalama có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ Alara Kalama có
định, Ta cũng có định. Không phải chỉ Alara Kalama có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy
ta phải cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama, sau khi tự tu, tự chứng,
tự đạt đã tuyên bố. Rồi này các Tỷ kheo, không bao lâu, Ta tự tri, tự chứng, tự
đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú" (Trung I, 164b).
Về sau tu khổ hạnh, Ngài cũng tự mình tự hành trì khổ hạnh
như Ngài đã tự diễn tả:
"Vì Ta ăn quá ít, chân tay Ta đã trở thành như những
cọng cỏ, hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, nên bàn trôn của Ta
trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta
giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn gầy mòn của Ta giống như
rui cột một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm
sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một
giếng nước thâm sâu ..." (Trung I, 80).
Ðức Phật sau khi hành trì khổ hạnh không có kết quả. Ngài
cương quyết từ bỏ khổ hạnh và bắt đầu tự mình hành thiền, chứng được sơ thiền,
thiền thứ hai, thiền thứ ba, thiền thứ tư, phát triển tuệ trí, chứng được túc
mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết như thật khổ, biết như thật các
lậu hoặc, thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải
thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành,
việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" (Trung I, 248).
Như vậy, cũng với kinh nghiệm bản thân, tự mình từ bỏ khổ hạnh, tu tập thiền
định, phát triển trí tuệ, Ðức Phật chứng quả Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Ðối với bậc Ðạo Sư đã dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và
chứng đạo, nên trong 45 năm hoằng pháp độ sanh, lời dạy chủ yếu của Ngài cho
các đệ tử cũng là lời dạy tự lực tự tri: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho
chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh
pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì
khác".
Trước hết, Ðức Phật xác nhận "cầu xin" và
"ước vọng" không có lợi gì, không những trên con đường thực hành
chánh pháp mà còn cả vấn đề ước vọng thế gian.
Kinh Tương Ưng, Tập IV, trang 313 nêu rõ:
"Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông
đảo đến cầu xin cầu khẩn chấp tay, mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú,
thiện giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ rơi vào
địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo
quần chúng đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên.
Sự cầu khẩn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể
nổi lên, không thể trôi vào bờ, như lời cầu xin của quần chúng ấy.
Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành,
nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng người
ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, đọa xứ, thời lời cầu xin ấy cũng không được thành
tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một
người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số
dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu
xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy
tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có
cầu khẩn, có cầu xin cũng không có lợi ích gì".
Kinh Tăng Chi IIIA, trang 123 xác chứng thêm sự vô ích của
cầu xin và cầu khẩn. Một vị Tỷ kheo không chú tâm trong sự tu tập, khởi lên ước
muốn được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, ước muốn ấy nhất định
không được toại nguyện. Như con gà mái có tám, mười hay mười hai trứng gà, nó
ấp ngồi không đúng cách, ấp nóng không đúng cách, ấp dưỡng không đúng cách,
thời dầu cho con gà ấy có khởi lên ý muốn mong rằng các con gà con của nó, với
chân, với móng, với miệng, làm bể vỏ trứng và thoát ra một cách an toàn, con gà
mái ấy cũng không được toại nguyện. Vì cớ sao? Vì con gà mái không ấp ngồi một
cách đúng đắn, không ấp nóng một cách đúng đắn, không ấp dưỡng một cách đúng
đắn.
Ngược lại, một Tỷ kheo sống chú tâm trong sự tu tập, dầu
không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm Ta được giải thoát các lậu hoặc,
không có chấp thủ", tuy vậy tâm vị ấy vẫn được giải thoát không có chấp
thủ. Vì cớ sao? Phải nói rằng vị ấy có tu tập. Có tu tập gì? Có tu tập bốn niệm
xứ, có tu tập bốn chánh cần, có tu tập bốn như ý túc, có tu tập năm cần, có tu
tập năm lực, có tu tập bảy giác chi, có tu tập Thánh đạo tám ngành. Ví như con
gà mái, có tám, mười hay mười hai trứng. Nó ấp ngồi một cách đúng đắn, nó ấp
nóng một cách đúng đắn. Dẫu con gà ấy không khởi lên ước muốn, mong rằng các
con gà con của nó, với chân, với móng, với mỏ, làm bể vỏ trứng và thoát ra một
cách an toàn, các con gà con của nó cũng phá vỏ trứng và thoát ra ngoài một
cách an toàn. Như vậy, có ước nguyện hay không ước nguyện không thành vấn đề.
Vấn đề chính là có hành động đúng đắn, đúng pháp để đưa đến kết quả mong muốn
mà thôi.
Một đoạn kinh nữa (Trung I, trang 303) càng nhấn mạnh sự vô
ích của cầu xin. Nếu hành Phạm hạnh không chánh đáng, không làm sao đạt được
quả vị. Hành Phạm hạnh không chánh đáng ở đây có nghĩa là theo tà tri kiến, tà
tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Vì cớ sao?
Vì đây không phải phương pháp để đạt được quả vị. Rồi Ðức Phật ví dụ người đi
tìm dầu, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước ép cát cho ra dầu, thời
dẫu người ấy có ước nguyện tìm cho ra dầu cũng không được toại nguyện. Vì cớ
sao? Vì đây không phải là phương pháp tìm ra dầu. Ðức Phật dùng một ví dụ nữa,
ý nghĩa hơn, là một người đi tìm sữa, đến một con bò cái, lại nắm lấy cái sừng
con bò cái mà vắt sữa, thời dẫu có ước nguyện hay không ước nguyện, nó cũng
không lấy được sữa.
Trái lại, nếu có vị sa môn hay Bà la môn nào, có chánh kiến,
chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định, dù có ước nguyện hay không ước nguyện, hành Phạm hạnh sẽ đạt được
quả vị. Vì cớ sao? Vì đây là phương pháp đạt được quả vị. Ví như một người đi
tìm dầu, sau khi để những hột dầu vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép các hột
dầu cho ra dầu. Dù người ấy có ước nguyện hay không ước nguyện, cũng sẽ lấy
được dầu. Vì cớ sao? Vì biết phương pháp làm ra dầu. Cũng ví như người đi tìm
sữa, đến con bò cái, vắt sữa từ nơi vú con bò mới sanh con, thời dù có ước
nguyện hay không ước nguyện cũng tìm ra được sữa.
Ðối với sự việc ở đời cũng vậy, không phải do cầu xin, do
nhân ước nguyện mà thành tựu. Ðã là người, thường hay mong ước được năm điều
khả lạc, khó tìm được ở đời như: tuổi thọ, dung sắc, an lạc, tiếng đồn tốt, và
được sanh cõi trời. Trong Kinh Khả Lạc (Tăng IIB, trang 74), Ðức Phật nêu rõ
năm điều pháp này không do nhân cầu xin, không do nhân ước vọng mà được, vì nếu
có do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ở đời này còn có ai héo
mòn vì một lẽ gì, khi mà chỉ cầu xin là được toại nguyện. Ðức Phật nói rất rõ:
Muốn có thọ mạng không thể cầu xin thọ mạng hay tán thán thọ mạng để làm nhân
đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường
đưa đến thọ mạng, đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến tiếng đồn tốt, đưa
đến sanh thiên, vị ấy mới thành tựu được, mới đạt được năm điều khả lạc mà mình
ước muốn ở đời.
Trong định nghĩa của Nghiệp và vai trò của nghiệp Ðức Phật
tuyên bố rất rõ chữ Nghiệp (Karma) có nghĩa là hành động, từ động từ Karoti
nghĩa là làm, là hành động về thân, về lời và về ý, nhưng hành động ấy phải là
hành động có tư tâm sở, tức là một hành động tự ý mình làm, tự mình quyết định
làm, không ai xúi giục, không do ai sai bảo. Vì đã là hành động tự mình ý thức
làm, tự mình quyết định làm, nên Ðức Phật xác định chúng ta là chủ nhân của
Nghiệp (Kammassako) chúng ta là thừa tự của Nghiệp (Kamma-dàyadà), chúng ta vừa
chịu trách nhiệm những hành động của chúng ta, chúng ta vừa tự mình chịu kết
quả các hành động của chúng ta làm. Kinh Pháp Cú nêu rõ:
"Ðiều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương ngọc quý". (Pháp Cú 161)
Một câu kệ nữa xác định rõ ràng hơn:
"Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai". (Pháp Cú 165)
"Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ,
Chánh niệm trú an lạc". (Pháp Cú 379)
Trong một bài kinh rất có danh tiếng, Kinh Kalamasutta (Tăng
I, 213-216), Ðức Phật khuyên các đệ tử của Ngài hãy tin ở nơi mình, không tin
một ai khác, tin ở nơi khả năng phán xét thiện ác của mình, chớ có tin vào một
phương pháp nào khác:
-- "Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết,
chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói, chớ có tin vì
được Kinh Tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận, chớ có tin vì nhân suy
luận, chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện, chớ có tin theo
thiên kiến, định kiến, chớ có tin vì thấy thích hợp với khả năng, chớ có tin vì
vị Sa môn là bậc Ðạo Sư của mình. Nhưng này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như
sau: 'Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người
có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đết bất hạnh khổ
đau. Thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng' ... Nhưng này Kalama, khi nào tự mình
biết như sau: 'Các pháp này là thiện. Các pháp này là không có tội. Các pháp
này, được người có trí tán thán. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa
đến hạnh phúc an lạc, thời này các Kalama, hãy chứng đạt và an trú'...".
Khi đã ý thức được khả năng của mình có thể phân biệt thiện
ác, thời Ðức Phật dạy hãy nên tự y chỉ mình, không y chỉ một ai khác, như các
bài kệ sau nêu rõ:
"Vị du sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy, trong sầu than,
Trong xan tham keo kiệt,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ". (Kinh Tập, câu 811)
"Ai không tìm lõi cây
Ðối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Ðối với các chấp thủ
Vị ấy không y chỉ
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh,
Du hành ở trên đời". (Kinh Tập câu 364)
Nhưng Ðức Phật có sự thận trọng. Dẫu cho Ngài đã được giải
thoát và giác ngộ hơn Ngài, nhưng Ngài vẫn thấy là Ngài cần phải y chỉ vào một
Sa môn hay Bà la môn:
"Vậy Ta hãy đảnh lễ, cung kính và sống y chỉ vào một Sa
môn hay Bà la môn, với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn ... định uẩn ... tuệ
uẩn ... giải thoát uẩn chưa được đầy đủ ... nhưng Ta không thấy một chỗ nào
trong thế giới chư Thiên, Ác Ma và Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn và Bà la
môn, chư Thiên và loài người, không có một Sa môn hay Bà la môn nào khác, với
giới, với định, với tuệ và với giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính,
đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: 'Với Pháp mà
Ta đã chân chính giác ngộ, Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ Pháp
ấy'".
Như vậy Ðức Phật với tâm khiêm tốn, muốn tìm một Sa môn hay
Bà la môn để nương tựa y chỉ nơi chánh pháp. Ðó là lý do vì sao Ðức Phật lại
dạy các Tỷ kheo "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (attà-dìpàviharatha),
hãy tự mình y tựa chính mình (attà-saranà), chớ y tựa một cái gì khác. Dùng
chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác". Thái độ này
của Ðức Phật giải thích vì sao Ðức Phật khuyên tôn giả Ananda chớ có sầu muộn
sau khi Ðức Phật nhập diệt, vì các đệ tử của Ðức Phật luôn luôn có chánh pháp
làm chỗ y chỉ, có chánh pháp làm chỗ nương tựa.
Trong Tương Ưng III, 51, Ðức Phật xác định lời khuyên một
lần nữa cho các đệ tử của mình lấy chánh pháp làm hòn đảo, lấy chánh pháp làm
chỗ nương tựa: "Hãy sống, tự mìn làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ
kheo, hãy nương tựa với chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp
làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác".
Trong kinh Gopaka Moggallàna, Trung III, trang 111, chúng ta sẽ thấy các đệ tử
của Ðức Phật sau khi Ngài nhập diệt, đã xử sự đúng như lời Ngài dạy. Bà la môn
Gopaka Moggallàna hỏi tôn giả Ananda: "Thưa Tôn giả, có một vị Tỷ kheo nào
được Sa môn Gotama sắp đặt: 'Vị này, sau khi Ta diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho
các ngươi và các ngươi sẽ y chỉ vị này?'".
Tôn giả Ananda trả lời: "Này Bà la môn không có một vị
Tỷ kheo nào được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A la hán, Chánh Ðẳng
Chánh Giác sắp đặt: 'Vị này sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các
ngươi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này."
"Thưa Tôn giả Ananda, có một vị Tỷ kheo nào được chúng
Tăng thỏa thuận và một số đông các vị Tỷ kheo Trưởng Lão sắp đặt là vị này, sau
khi Thế Tôn diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ y chỉ
vị này?".
Tôn giả Ananda trả lời: "Không có một vị Tỷ kheo nào,
này Bà la môn, được chúng Tăng thỏa thuận và được số đông các vị Tỷ kheo Trưởng
Lão sắp đặt: 'Vị này, sau khi Thế Tôn diệt độ sẽ là chỗ nương tựa cho chúng
tôi', và chúng tôi sẽ y chỉ vị này".
"Và như vậy là (quý vị) không có chỗ nương tựa. Thưa
Tôn giả Ananda, như vậy do nhân gì quý vị có thể hòa hợp?".
"Này Bà la môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương
tựa. Này Bà la môn, chúng tôi có chỗ nương tựa. Và Pháp là chỗ nương tựa của
chúng tôi."
Lấy Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, đó cũng chính là lời Phật
dạy chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét