Phật giáo vẫn dạy chúng ta rằng: "làm thiện gặp lành,
làm ác gặp dữ". Tiêu ngữ đó không phải là lý thuyết suông hay một lời rao
giảng mang ý nghĩa răn đời như một giáo điều bình thường để kêu gọi nhân loại
thay đổi nếp sống ngoài xã hội. Câu giáo lý đó thật ra có ý nghĩa hết sức thâm
trầm, sâu sắc là đưa người Phật tử đến với cái trí tuệ khám phá đời sống.
Tiểu Sử Tác Giả
Đại Đức Puriso (Bruce Evans) sanh năm 1951 tại Melbourne , nước Úc. Lúc
còn trẻ, đại đức đã từng có duyên với nhạc nghệ và cũng đã thực hiện được một
cuốn băng. Được hướng dẫn bởi một thiền sư Nhật Bản ở Melbourne , đại đức quyết định sang Nhật để
học Thiền. Trong chuyến đi này, đại đức có ghé ngang Bangkok và gặp được các vị
tỳ kheo người Tây Phương. Nhưng tâm hồn văn nghệ cũng như thói quen nghề nghiệp
đã khiến đại đức tuy có cảm tình nhưng vẫn cứ chùn bước trước giáo lý Nam Tông,
bởi theo giới luật truyền thống thì một nhà sư không được chơi nhạc. Đổi lại,
đại đức quyết định tham dự một khóa thiền Tứ Niệm Xứ ở Nong Khai. Trong những
ngày tu thiền này, cây đàn Guitar của đại đức mang theo bị đánh cắp. Sự kiện
này khiến đại đức bỏ ý định sang Nhật và cố gắng tìm cách thích nghi với đời sống
ở Thái Lan để có thể tiếp tục ở lại đây .
Được nghe kể về thiền sư Ajahn Chah, đại đức đến viếng chùa
Pah Pong rồi thọ giới tỳ kheo với Ngài (năm 1975). Năm 1982, đại đức đã cùng
với Ngài Jagaro trở về Úc để xây dựng một ngôi chùa ở Perth . Sau đó đại đức trở về Thái. Hiện nay
đại đức đang trụ trì chùa Wana Potiyahn (còn gọi là chùa Keurn), gần chùa Pah
Pong, miền đất giáp với biên giới Lào - Campuchia. Đại đức hiện cũng đang hoạt
động để phục hồi các khu rừng đang bị tàn phá tại đây. Công trình này của đại
đức đã được thông tin rộng rãi trên các đài truyền hình ở Thái Lan .
Bài viết dưới đây được dịch lại từ một thời pháp bằng tiếng
Thái của đại đức Puriso vào mùa an cư năm 1987 vào một đêm thiền định tập thể
vẫn được tổ chức hàng tháng vào hai ngày BốTát cho Tăng Ni và Phật tử tại các
thiền viện ở miền Đông Bắc Thái Lan. Nội dung của bài viết chỉ gồm trong một
câu thôi: "Khi ta mang ánh sáng vào chỗ tối thì bóng tối sẽ biến mất. Và
ta chỉ cần biết vậy thôi, không cần tìm hiểu xem cái bóng tối kia đã tồn tại ở
đó bao lâu rồi ."
-ooOoo-
Ánh Đuốc Phật Đà
Hôm nay, tất cả quí vị đã bỏ nhà để đến chùa góp mặt trong
pháp hội này, phải nói đây là một cơ hội thật tốt để chúng ta tạm thời gát qua
hết những chuyện đời và quay về sống phản tỉnh đối với bản thân. Nhưng tôi chỉ
mới nói rằng quý vị đang có một cơ hội tốt, còn quý vị thì sao? Quý vị có ý
thức được mình đang ở đâu và làm gì hay không? Đi vào chùa để vãn cảnh hay để
tu học? Nếu để tu học thì quý vị đã bắt đầu chưa? Các vị hãy luôn nhớ rằng, một
khi đã chấp nhận con đường tu học thì chúng ta nhất định phải cố gắng thế nào
đó để tự khẳng định chính mình. Chúng ta không thể tu học như một hình thức
chiếu lệ mà ngược lại phải luôn nhìn về phía trước để nhắm tới những tiến bộ.
Chúng ta phải biết tu học một cách có lý tưởng, áp dụng Phật Pháp vào ngay
chính đời sống của mình để từng sinh hoạt của bản thân được thực hiện dưới ánh
sáng Phật pháp.
Ở đây, tôi có thể lấy ví dụ về trường hợp chúng ta đang là
người trau dồi chánh niệm. Mỗi người hãy tự xét lại chính mình thử xem, trong
một ngày chúng ta có được bao nhiêu giây phút sống trong chánh niệm, tỉnh giác?
Chúng ta hãy học phép trau dồi chánh niệm bằng những giờ thiền định. Trước hết,
ta có thể tập trung sự chú ý của mình vào từng hơi thở, trong đôi ba phút thôi,
trước khi mình bị phóng tâm. Rồi nếu như thời gian đôi ba phút đó là quá dài
thì chúng ta vẫn có thể ngồi yên lại đó cho thời gian trôi qua cũng được .
Đối với một hành giả, ngồi yên lại trong một ý thức rõ ràng
cũng đã là thiền định. Khi đã giữ vững được tư thế ngồi rồi thì chúng ta sẽ lại
bắt đầu hít vào, thở ra bằng một sự ghi nhớ cẩn thận. Chỉ chừng đó thôi cũng đã
là một phương thức phát triển khả năng chánh niệm và một khi khả năng này được
thuần thục thì coi như chúng ta đã tự khẳng định được khả năng tu học của mình
mà ở đây là khả năng chánh niệm .
Trong rừng thiền này, mọi điều kiện vật chất đều quá hạn
chế. Ở đây chỉ có một phòng vệ sinh mà thôi. Vậy thì chúng ta phải tu học ra
sao để có thể thích nghi với hoàn cảnh này? Chúng ta cũng thấy đó, những người
có mặt ở đây mỗi ngày chỉ ăn một bửa. Đó cũng là một trong những thực tập căn
bản cho chúng ta. Trong rừng thiền luôn có người theo dõi chúng ta một cách
chặt chẽ. Trong những ngày tu học tập thể này, từ buổi chiều, không ai trong số
các thiền sinh đã phát nguyện không nằm, lại có thể ngã lưng. Lời nguyện đó là
một quy tắc, ai cũng phát nguyện thì dù có ra sao cũng phải tôn trọng cho dù
đau nhức đến mấy đi nữa. Đây chính là khả năng tinh tấn rất cần thiết cho con
đường tu học của mỗi người.
Thính pháp cũng là một pháp môn có giá trị đặc biệt. Ta nghe
pháp để có thêm hành trang tu học. Một người chưa từng nghe gì về Phật pháp thì
làm sao có thể biết được mình phải tu học như thế nào? Tư tưởng của chúng ta
vẫn có khuynh hướng phóng tán và bị câu thúc, mắc níu vào trăm ngàn thứ chuyện
đời, nhưng chính nhờ nghe được Chánh Pháp, chúng ta có thể đón nhận được những
niềm vui kỳ diệu để dễ dàng buông xuôi hết những gì là rác rưởi không cần
thiết. Nói vậy có nghĩa là nếu mỗi ngày chúng ta đều sống thực hành theo Phật
pháp thì bản thân của chúng ta sẽ luôn được an lạc và con đường tu hành cũng
trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó với một đời sống tách rời Phật pháp, chúng ta
chỉ thường xuyên cảm nhận những đau khổ. Có thể nói tất cả những đau khổ trên
đời đều đi ra từ một sự chấp thủ và chấp thủ đó chính là sợi giây trói buộc
được nối kết lại bằng những khái niệm về cái gọi là Tôi, Của Tôi .
Dân số trên thế giới ngày càng đông đúc và quanh ta luôn có
những người cần được chia xẻ nhiều thứ. Nhưng trên thực tế đã có được bao nhiêu
người đã biết sống chia xẻ, đã có bao nhiêu người được chia xẻ? Ai cũng muốn
sống gom thâu và nắm chặt bàn tay. Người ta xâu xé nhau để được tồn tại, để
mình và những người thân được an toàn. Ngoài ra, họ không còn biết đến gì nữa.
Nói một cách khác, nhân loại đang bị đau khổ một cách trầm trọng. Người ta bảo
là mình điều hành đời sống nhưng thực ra đời sống đã điều hành trở lại họ. Tất
cả những phức loạn trên toàn cầu cũng từ đó mà ra. Thôi thì đủ thứ: Bôi nhọ
nhau, tranh cãi nhau, đánh nhau bằng đủ mọi hình thức ... Nói cho cùng, hầu hết
nhân loại đã bị mù lòa cả rồi .
Giữa cảnh đời như vậy, chúng ta phải làm gì cho mình? Chúng
ta phải biết lắng nghe Chánh Pháp và chuyên tâm thực hành những gì mình học
hiểu được. Chúng ta phải biết tháo bỏ đi những đôi mắt kính chủ quan để có thể
nhìn thẳng vào cuộc đời với ánh sáng của Chánh Pháp và đem ánh sáng ấy trở vào
làm nguồn sáng cho chính nội tâm mình. Khi ta mang ánh sáng vào chỗ tối, bóng
tối sẽ biến mất, còn chuyện bóng tối đã tồn tại ở đó bao lâu thì không phải là
vấn đề để ta bận tâm, bỡi lúc này nó đã được giải quyết. Trong câu nói trên
đây, ánh sáng có nghĩa là trí tuệ hiểu biết mọi sự theo tinh thần và đường
hướng của chánh pháp. Ta vẫn nhắc đến ánh sáng Phật pháp nhưng nói một cách cụ
thể đó là gì? Khi ta biết bỏ đi những ngộ nhận về Tôi, Của Tôi rồi nhìn thấy
đúng theo bản chất của chúng thì chính sự nhìn thấy này là nhãn quan trong ánh
sáng Phật pháp .
Trong Phật giáo, chúng ta thường nghe nhắc về tám ngọn gió
đời là Được, Mất, Khen, Chê, Vinh, Nhục, Hạnh Phúc, Đau Khổ. Đây là những gì mà
con người vẫn bị chi phối. Con người gần như suốt đời cứ đi tìm những tài sản,
danh vọng và dĩ nhiên không ai muốn bị chê bai hay bị mất mát một cái gì đó.
Được cái mình thích, chúng ta hạnh phúc, gặp cái mình ghét thì chúng ta đau
khổ. Bên cạnh những danh lợi thông thường, còn có một thứ khác cũng có thể
khiến người ta phải cực lòng theo đuổi, đó chính là cái vị trí tinh thần của
mình trong mắt người khác. Có những người không mấy thiết tha đến chuyện gia
tài sự sản, mà họ chỉ hứng thú trong cái ước mơ có được một quyền lực, sức ảnh
hưởng và chi phối đối với người khác. Chẳng hạn như các chính trị gia mà ta vẫn
thường thấy, họ có thể bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không tiếc, miễn sao chiếm
được một sức mạnh chính trị và một chiếc ghế nào đó trên chính trường .
Nếu nhìn kỹ vào chuyện đời, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng tám
khía cạnh trên đây của đời sống thực ra chỉ là những gì được có mặt từ một Cái
Tôi ảo vọng. Sự tu tập theo đúng lời Phật dạy chính là thái độ khước từ, chối
bỏ Cái Tôi nghiệt ngã đó. Cố tình xây dựng một bản ngã thực ra là một nếp sống
"ngược đời, trái đạo", bỡi tự trong bản chất của các pháp không hề có
một Cái Tôi nào cả và cuối cùng rồi, ngay trong giờ phút tắt thở chúng ta đều
phải buông bỏ lại hết mọi thứ .
Tôi đã từng có dịp quan sát đời sống sinh hoạt của mấy con
khỉ trong rừng. Chúng thỉnh thoảng vẫn thích chơi cái trò mà ta có thể tạm gọi
là "lễ tôn vương của muông thú". Một con khỉ trong bầy leo lên cái gò
cao nào đó rồi nhìn xuống như một ông vua đang ngự trên ngai. Lũ khỉ còn lại
quây quần bên dưới, rồi leo trèo lên nhau và lại với tay níu kéo con khỉ đang
ngồi trên kia. Thường thì những con khỉ muốn được "làm vua" như vậy
đều là những con tinh nghịch và quái quỷ nhất trong bọn. Chúng luôn muốn chứng
tỏ với bầy đàn cái "thần uy" của mình. Mà thật ra thì mỗi lần được
"làm vua" như vậy, chúng đâu có được sung sướng gì, thậm chí còn cực
thân hơn mấy con khỉ khác nữa. Chúng phải chống trả chật vật với cả bầy khỉ
đang leo trèo lên mình chúng và kéo lôi chúng xuống khỏi cái gò kia. Như vậy
xem ra thì mấy con khỉ không được làm vua lại còn sung sướng hơn nhiều bỡi
chúng có dịp vui đùa thỏa thích mà chẳng phải sợ mất mát cái gì hết .
Câu chuyện trên đây về mấy con khỉ rừng là cả một bài học
cho chúng ta. Chúng ta hãy biết học cách "tự thu nhỏ mình lại". Thái
độ sống đó không hề có nghĩa là một kiểu sống tiêu cực, thua cuộc một cách
thiếu thông minh. Mà ngược lại, chúng ta hãy thu nhỏ mình lại bằng một tâm hồn
khiêm tốn, vị tha, nhường nhịn và biết cảm thông .
Bốn giá trị tinh thần này có ý nghĩa là nâng cao chúng ta
lên khỏi cái dòng đời thác loạn. Trong khi đó gần như rất hiếm có người biết
nghĩ đến các giá trị này để tự xây dựng bản thân mình với một trình độ trưởng
thành thật sự, mà ai cũng cứ thích tự xây dựng cho mình những tượng đài ảo
tưởng. Đức Phật gọi đó là nếp sống đi ngược lại với tự nhiên .
Như vậy, có thể nói rằng bất cứ con đường nào có thể giúp
chúng ta loại bỏ được những khái niệm về Cái Tôi và Của Tôi thì đều là những
pháp môn chính chắn, đều là con đường dẫn đến tịnh lạc. Nói vậy có nghĩa là
càng buông bỏ được nhiều thứ thì chúng ta càng được hạnh phúc; và mọi sự chấp
thủ, ôm ấp chỉ là con đường dẫn đến khổ đau. Cứ vậy mà nói, thì những ai chưa
từng có dịp làm quen với Phật pháp sẽ rất khó mà chấp nhận được điều này. Bởi
hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng ôm ấp, nắm giữ. Có nhiều thứ trên đời được
người ta cố thủ như thể chúng chính là bản thân của họ. Thái độ nắm bắt mù
quáng đó gọi theo thuật ngữ Phật Giáo là "sự chấp thủ". Trong khi đó,
nếu với một tinh thần xả bỏ thì chúng ta sẽ thấy được rằng những gì mình có
được thật ra chỉ là một thứ sở hữu mang tính tương quan hết sức đơn giản và
không hề có một chất keo ràng buộc nào ở đó cả. Vạn sự luôn tồn tại bằng vào
những điều kiện trợ sinh nên khi những điều kiện ấy không còn nữa thì mọi sự sẽ
tự biến diệt. Suy nghĩ về cuộc đời bằng cách hiểu như vậy chính là sự suy nghĩ
trong ánh sáng Phật pháp. Thái độ suy nghĩ đó sẽ mang lại cho chúng ta một nếp
sống tinh thần mới mẻ và bình yên. Chúng ta sẽ cảm nhận được từng sự rạn vỡ của
lòng chấp thủ để từ đây, nội tâm của chúng ta cũng sẽ trở nên thanh thản, nhẹ
nhàng hơn.
Việc chúng ta tìm đến tu học trong rừng thiền này không chỉ
đơn giản là một cách lánh mặt tạm thời những gia sự phiền phức, mà chúng ta
phải xem đây là một "cuộc về nguồn" đối với chính đời sống của mình
để có thể nhìn thẳng vào mọi chuyện đời, chuyện lòng một cách rõ ràng hơn. Cũng
những công phu tu học này, nhưng nếu chỉ được thực hiện tại nhà thì chúng ta có
thể gặp phải ít nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc tọa thiền hay kinh hành thôi
cũng là một chuyện không dễ dàng. Trong khi đó, trong bối cảnh của một tu viện
hay một thiền đường thì chỉ cần một sự dốc lòng đúng mức, ta luôn có thể được
thoải mái và thanh thản. Chẳng hạn những khi ta bất chợt muốn được đi kinh hành
một mình thì vẫn có thể yên tâm làm theo ý mình muốn một cách tự do mà không e
ngại ai đó dòm ngó mình bỡi trong bất cứ thiền đường nào cũng vậy, việc đi kinh
hành của các thiền sinh luôn là một điều hết sức bình thường nếu không muốn nói
đó là một trong những oai nghi cần thiết của bất cứ thiền sinh nào. Trí tuệ
giác ngộ là thuộc cảnh giới nội tâm, nhưng bối cảnh thực tế để thực hiện nó thì
vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như nếu ta đi kinh hành giữa chỗ buôn bán, phố xá
thì chắc chắn rằng thiên hạ chung quanh sẽ cho ta là người loạn trí, thậm chí
họ còn có thể xúc phạm đến ta nữa! Như vậy, những thiền đường, tự viện luôn là
những trú xứ lý tưởng để chúng ta có thể sống thư giãn, thiền định, tham khảo
kinh sách hoặc tĩnh dưỡng tinh thần mà không sợ bị quấy rầy bởi bất cứ cái gì.
Việc thọ trì các học giới dĩ nhiên là một thứ công phu nhiều
ý nghĩa bởi ít nhất đây cũng là một pháp môn rất khó thực hiện, nhất là đối với
trường hợp bát quan trai giới. Chỉ cần thọ trì nghiêm túc tám học giới bát quan
thôi, người Phật tử coi như đã có được nếp sống của một bậc xuất gia, nhất là
trường hợp họ có cơ hội được lưu trú tại chùa, một không gian hết sức an lành
và cách ly trọn vẹn với tất cả những tục sự đa đoan của đời sống cư sĩ. Có thể
nói rằng nếu sống qua được hai mươi bốn giờ đồng hồ giữ tròn tám học giới thì
xem như ta đã là một nhà sư trong chừng ấy thời gian. Ngược lại, việc thọ trì
bát quan trai giới ngay tại gia đình thì phải nói rằng mọi sự sẽ không được như
vậy nữa. Những ồn ào từ máy hát, ti vi, và khách khứa tới lui ... đều là những
trở lực bất lợi cho đời sống nội tâm của chúng ta .
Hơn thế nữa, từng giây phút có mặt trong một rừng thiền như
thế này, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội thấm thía được những vấn đề hết sức thú
vị, chẳng hạn như về sự đau khổ. Tinh thần và thể xác của mỗi người gần như
luôn có sự tồn tại của sự đau khổ. Bổn phận của người hành giả chúng ta là thấu
suốt bản chất của tất cả đau khổ. Chúng ta phải học hỏi để biết được cái gì đã
gây tạo ra những đau khổ, hình thức xuất hiện của sự đau khổ cùng tất cả những
gì có liên quan tới nó. Đức Phật đã từng dạy rằng đau khổ là cái cần được liễu
tri nhưng hầu hết con người chúng ta đâu có mấy ai muốn nhớ tới cái khổ chứ
đừng nói gì đến việc liễu tri hay nhận thức nó. Gặp phải sự đau khổ, thường thì
người ta chỉ nghĩ đến một việc duy nhất là trốn chạy nó mà không muốn nhìn
thẳng vào nó. Những người như vậy không phải là những người Phật tử. Người Phật
tử phải biết nhìn thẳng vào mọi vấn đề ngay khi chúng vừa xuất hiện để có thể
tìm hiểu nhân tố nào đã gây tạo nên chúng .
Chẳng hạn như có một lần nào đó, do tình cờ ta làm phiền
lòng người khác rồi bị họ phản ứng, ở đây có thể là một câu nói nặng lời. Nếu
chúng ta biết cách lắng nghe một cách trung thực những gì họ nói, chúng ta sẽ
nhận ra ở đó một sự thật hết sức thú vị. Sự nổi giận của con người chỉ đơn giản
là thái độ phản ứng mang tính chống trả, tự vệ và được đặt cơ sở trên lòng sợ
hãi, một nỗi sợ hãi hết sức sâu kín và tiềm ẩn trong tận đáy lòng mỗi người.
Nếu chúng ta giữ được bình thản để đón nhận từng lời nói, ta sẽ thấy rằng họ đã
nói đúng theo những gì họ muốn. Mọi rắc rối đến đây coi như đã tạm ổn, ít nhất
cũng là về phía chúng ta.
Trong đời sống tu học của mình, càng giới hạn những "sự
cố" thì chúng ta càng được yên lành. Nếu có một sự cố nào xảy ra ngoài ý
muốn, ta cũng vẫn phải can đảm đối diện với nó bằng trí tuệ Phật pháp, với tất
cả những khả năng thoải mái và khách quan nhất. Nhưng để có được một cái nhìn
bằng trí tuệ Phật pháp thì không phải là chuyện dễ dàng. Bởi hãy nhớ rằng chúng
ta vẫn còn đó quá nhiều những thói quen mang tính bản năng. Chính cái bản năng
này đã khiến cho ánh sáng trí tuệ khó được thắp sáng lên. Chúng ta đâu có chịu
nhìn ngắm mọi sự theo đúng bản chất của chúng mà lại thường có thói quen tô vẽ,
nắn bóp chúng theo cách nghĩ bản năng cùng những giá trị mà mình vẫn áp đặt lên
nó.
Chúng ta phải từng bước học hỏi Phật pháp để hoàn chỉnh bản
thân mình cho ngày một vững vàng và độc lập hơn. Chúng ta phải học cách biến
cái bản năng mù quáng thành ra cái bản lãnh đầy ý thức. Phật pháp đã cho ta
nhiều bài học để sửa mình đó là Giới, Định, Tuệ. Giới và Định là những phương
tiện tinh thần giúp ta ổn định tam nghiệp của bản thân (thân, khẩu, ý ). Nếu
tam nghiệp không được huấn luyện thì đời sống của chúng ta cũng sẽ trở nên loạn
động và như vậy, ta không thể nhìn thấy được mọi sự đúng như bản chất của
chúng. Nói một cách khác, là chúng ta không thể nhìn thấy các vấn đề theo đúng
tinh thần ánh sáng của Phật pháp. Chúng ta cần thiết phải thọ trì một cách
nghiêm cẩn những pháp môn tu học mà Đức Phật đã để lại cho người tìm đạo. Đó là
học giới, các hạnh Đầu Đà để tiết dục, một tấm lòng hào sảng, một bàn tay luôn
biết mở rộng để san sẻ cho tha nhân những gì mình có. Ta có thể xem đây là
những pháp môn để tu học. Những pháp môn này luôn mang lại cho ta một sức mạnh
để vượt qua các trở lực trong đời sống và cuộc tu, đồng thời chúng cũng có ý
nghĩa giúp ta thanh lọc nội tâm của chính mình nữa.
Bảo là vượt qua các trở lực nhưng chúng ta vượt qua bằng
cách nào đây? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn lấy ví dụ về pháp môn bố thí.
Bất luận là ta đem đến biếu tặng cho người khác một thứ vật chất nào đó hoặc hy
sinh cho họ đôi chút thời gian, công sức - tất cả những hy sinh đó đều là những
hình thức bố thí và chúng cũng đều là con đường giúp ta vượt qua các trở ngại
tinh thần để thanh lọc nội tâm. Ta đừng bao giờ có một tính toán chật hẹp rằng
mình hy sinh những thứ đó để được đi về thiên giới. Cứu cánh đó thật ra không
có gì để được đảm bảo một cách tuyệt đối. Nếu ta bố thí mà vẫn có một đời sống
hư đốn thì đường xuống địa ngục đối với chúng ta lúc này có thể sẽ gần hơn
đường lên thiên giới. Như vậy tốt nhất là chúng ta hãy sống với một tâm hồn hào
sảng không toan tính và nên hiểu rộng ý nghĩa của công đức bố thí để nhắm tới
mục đích tẩy rửa tâm hồn. Thực ra, chúng ta có thể nhìn thấy được kết quả của
từng hành động mà mình thực hiện ngay trong đời sống hiện tại, chứ đâu phải đợi
đến một kiếp sống tương lai xa xôi nào đó. Nếu ta biết sống hy sinh cho người
khác bằng tất cả thành ý và chân tình ngay trong chính giây phút thực hiện
nghĩa cử hy sinh đó, ta cũng đã cảm nhận được một niềm hạnh phúc và an lành
rồi. Đây chính là thành quả trước mắt của pháp môn bố thí mà ta cần phải biết
thưởng thức. Thái độ này xem ra còn hay hơn cái tư tưởng tù túng của một người
bố thí mà chỉ biết ngóng đợi quả báo ở kiếp lai sinh .
Đối với việc thọ trì các học giới cũng vậy. Nếu chúng ta giữ
tròn các học giới bằng cách tất cả thành tâm, giữ giới trong một tinh thần hồn
nhiên và khiêm tốn, thì ta sẽ cảm nhận được ở nội tâm mình một sức mạnh kỳ diệu
lắm. Tâm hồn của chúng ta lúc đó sẽ trở nên dũng mãnh và kiên cố hơn. Với một
tâm thái như vậy thì công phu thiền định nào cũng được trợ lực một cách hữu
hiệu. Như vậy giới luật trong sạch cũng là một đoạn đường mà chúng ta phải đi
qua trọng cuộc tu của mình .
Nói một cách rốt ráo thì những điều được nhắc đến trên đây
chính là cái giá trị đào luyện ở các khu rừng thiền như thế này. Mỗi rừng thiền
đều luôn tạo điều kiện cho ta biết cách tu học, áp dụng triệt để và hữu hiệu
tất cả khả năng cải hóa của chúng ta, để ta có thể nhìn thấy được thành quả
trước mắt của các nổ lực tu học. Chỉ cần ta dàn xếp được nội tâm mình thì coi
như cái phần thưởng cho mọi nổ lực của chúng ta đã được bày sẵn ra đó. Như đã
nói, chúng ta không nên tu học trong cái lý tưởng hướng vọng về một thành quả
xa xôi nào đó ở tương lai, bởi vì ngay tại đây và bây giờ ta đã có thể nhìn
thấy nó rồi. Tất cả các thiện sự tự chúng đã là một thành quả mà điều này có lẽ
chẳng được mấy người nhận thức nổi. Thậm chí, suy nghĩ của thiên hạ có khi còn
tệ hại hơn, có kẻ đã đem ghép chung việc đi chùa với công chuyện làm ăn của
Phật tử thâm niên rồi ngây thơ và hàm hồ phủ nhận tất cả ý nghĩa tinh thần
trong việc đến chùa tu học của những người mộ đạo. Phải nói rằng đây là cả một
sự ngộ nhận hết sức nghiêm trọng. Bởi bất cứ giây phút nào ta thực hiện các
thiện hạnh thì cũng có nghĩ là ngay trong khoảnh khắc dó người ta đang sống
trong cảnh giới của thiện hạnh. Quả báo của từng hành động lớn nhỏ cũng luôn
gắn liền với nó. Nhân và Quả ở đây tương quan nhau một cách vô cùng mật thiết.
Điều này không chỉ là trường hợp cá biệt đối với ác pháp hay thiện pháp. Có lắm
lúc chúng ta thấy nhiều người luôn sống tội lỗi nhưng không có vẻ gì là bị đau
khổ từ đời sống tội lỗi của họ. Rồi ta lại nông nổi cho rằng các ác nghiệp
không có hậu quả. Phải nói đây là một cái nhìn vô minh .
Phật giáo vẫn dạy chúng ta rằng: "làm thiện gặp lành,
làm ác gặp dữ". Tiêu ngữ đó không phải là lý thuyết suông hay một lời rao
giảng mang ý nghĩa răn đời như một giáo điều bình thường để kêu gọi nhân loại
thay đổi nếp sống ngoài xã hội. Câu giáo lý đó thật ra có ý nghĩa hết sức thâm
trầm, sâu sắc là đưa người Phật tử đến với cái trí tuệ khám phá đời sống. Chính
những hành động đã quy động nhân cách của chúng ta. Chúng ta có là một tướng
cướp, gái làm tiền, kẻ lừa đảo, tên khát máu ..., tất cả đều xuất phát từ từng
hành động, ngôn ngữ và suy nghĩ của chúng ta. Cho nên Đức Phật đã dạy rằng
"Mỗi chúng sinh đều là chủ nhân ông tự chịu trách nhiệm về những hạnh
nghiệp của mình".
Dĩ nhiên, bên cạnh cái hậu quả căn bản ngay trong hiện tại
như vừa nói trên, các nghiệp thiện ác còn để lại những hậu quả về sau mà thời
gian thì luôn bất định. Chẳng hạn như khi ta đánh cắp của ai đó một số tài sản
lớn rồi tiêu xài sung sướng trong một thời gian nào đó, cuối cùng khi sự việc
bị phát hiện, tất cả những cảm giác khoái lạc có được từ hành động bất chính
kia lúc này không còn nữa và bị thế chỗ bằng những trừng phạt thích ứng. Đó là
chưa kể đến cái ác báo trong kiếp lai sinh. Có tĩnh tâm thiền định, ta sẽ thấm thía
tất cả những gì là quy luật nhân quả trong từng hành động lớn nhỏ .
Lần đó, tại nước Úc, tôi và đại đức Jagaro đến phi trường
Perth và đang đợi làm thủ tục hải quan, thì gặp được một người đàn ông. Ông ta
vừa uống xong một ít rượu nhưng điều đặc biệt là qua cung cách chuyện trò thì
lại có vẻ như một nhà tư tưởng. Nhìn thấy chúng tôi, ông đã lập tức đặt ra
những câu hỏi về đạo Phật. Chúng tôi đã trả lời cho ông một cách nhiệt tình.
Khi chúng tôi đang nói, ông đột nhiên hỏi một câu:
- Có phải là các vị luôn tôn kính Đức Phật?
- Vâng, điều đó dĩ nhiên rồi!
- Người ta đã kể cho tôi nghe rằng Đức Phật là một con người
cao khiết luôn có một đời sống gương mẫu, chẳng hạn như sẵn sàng hy sinh bản
thân cho người khác và được cả thế giới tôn kính như một bậc hiền giả vĩ đại.
Nhưng cuối cùng rồi thì Ngài cũng qua đời phải không?
- Đúng như vậy!
- Các vị có đồng ý với tôi là những kẻ tàn bạo như Hitler
chẳng hạn, tàn sát biết bao người, gây đau khổ cho hàng triệu người trên thế
giới rồi cuối cùng cũng chết đi phải không?
- Đúng như vậy!
- Vậy thì đâu có sự khác biệt nào trong cái chung cuộc của những
người đại hiền với những kẻ đại ác?
- Đúng là cuối cùng rồi thì ai cũng phải chết cả - Tôi thong
thả trả lời ông ta - Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi sự giống nhau. Đức
Phật luôn hiểu rất rõ về cái chết. Cả đời của Ngài là những ngày tháng hoàn toàn
tỉnh thức để thấu suốt về hai tiếng Sinh Tử. Trong những giây phút cuối cùng
trên giường chết, Đức Phật vẫn bình thản và tỉnh táo, không phân vân nghi hoặc,
cũng không tiếc nuối hay sợ hãi. Ngài là một người đã có được đời sống Như
Thật, sống đúng với chân lý một cách hoàn thiện nhất . Còn Hitler hay những kẻ
giống như ông ta thì theo một cách nào đó, chẳng hiểu được gì về cái chết.
Hitler đã sống trong sợ hãi và thác loạn. Hạng người đó coi như đã bị mù lòa
trước bóng tối của những đau khổ và tất cả những gì là chân lý trong đời. Đó
cũng là lý do khiến Hitler mù quáng lao vào tất cả những tội ác kinh khủng
nhất. Hitler sống trong khủng hoảng rồi cũng chết đi trong ngộ nhận và bóng
tối. Cuộc đời của Hitler chỉ có bóng tối và lỗi lầm. Như vậy, con người luôn
giống nhau ở điểm là đã trót sinh ra thì phải có ngày nhắm mắt xuôi tay nhưng
hoàn toàn khác nhau ở cách sống và cách chết. Người thì luôn sống và chết trong
sự hiểu biết, có kẻ lại chỉ có thể sống và chết mà không có nổi một nhận thức
nào hết ...
Câu chuyện nhỏ trên đây là cả một vấn đề vô cùng quan trọng
mà tất cả những người tu Phật nhất thiết phải thấm thía nó bằng trọn vẹn khả
năng của mình. Chúng ta đã có hiểu gì về ý nghĩa của chữ "Phật"? Phật
có nghĩa là sự hiểu biết hoặc Người Hiểu Biết. Đạo Phật là một hệ thống giáo lý
đòi hỏi ở các giáo đồ cái khả năng Hiểu Biết, hiểu biết về bản chất Như Thật
của vạn sự, vạn vật.
Tuệ giác của Đức Phật và chư vị Thánh đệ tử, nói cho cùng,
chính là sự hiểu biết tận tường về bản thân mình. Nếu muốn trở thành một người
Phật tử đúng nghĩa thì điều bắt buộc là chúng ta phải học cách nuôi lớn khả
năng hiểu biết đó ở chính mình. Sự hiểu biết này không hề giống như bao thứ
kiến thức thế tục thông thường khác vốn chỉ là một mớ hỗn độn những dữ kiện
thông tin cùng các lập trường tư tưởng chữ nghĩa. Tôi nhắc lại, sự hiểu biết
cần có ở đây chỉ đơn giản là sự hiểu biết về chính bản thân mình.
Trong bất cứ phút giây nào xây dựng được ở nội tâm mình công
phu tu tập đó thì coi như ta đang trồng một cây Bồ đề ngay trong chính tâm hồn
mình. Tất cả những phiền não trở lực rồi cũng sẽ thành ra những thứ phân bón
vun xới cho cội cây Bồ đề đó, cội cây của trí tuệ giác ngộ. Chúng ta rồi cũng
có thể tận dụng các phiền não để làm đối tượng tri nhận cho đời sống tỉnh thức.
Qua từng biến dịch của từng dòng tư tưởng ta sẽ thấy rõ được đặc tính của những
tham lam, sân hận và si mê.
Chẳng hạn như khi một cơn giận dữ xảy đến, ta hãy trung thực
ghi nhận sự xuất hiện của nó mà dừng bao giờ tự dối lòng bằng một suy nghĩ khác
hay một câu nói nào đó rập khuôn theo kinh điển: "Đâu phải tôi đang giận
dữ, cái tâm trạng đó đơn giản chỉ là một thứ rác rưới, một con mèo hoang thôi
mà!". Trong những cơn giận dữ, chúng ta thường khi tự đánh mất nhận thức
về nó bởi vì cứ mãi lo bận tâm hướng về cái đối tượng đã chọc giận mình mà ít
khi chịu nhìn ngắm lại nội tâm bản thân. Đó cũng là một cái thói quen xấu của
chúng ta. Luôn nhìn ra mà chẳng mấy khi chịu nhìn vào!
Đức Phật đã từng dạy rằng tất cả những đối tượng ngoại vi
thật ra chẳng có ý nghĩa gì, điều quan trọng là chúng ta phải tự biết cách đón
nhận và xử lý nội tâm mình bằng một trí tuệ quán sát. Chúng ta hãy học cách
nhận diện và nhìn ngắm từng thứ phiền não khi chúng đi qua lòng mình, xem mình
có cảm giác gì trước sự xuất hiện của chúng. Làm được điều đó, có nghĩa là ta
đã nhìn thấy được mọi sự qua ánh sáng của Phật pháp. Vấn đề xem ra cũng không
có gì là khó hiểu và xa vời cho lắm: Khi ta hiểu được một cách chính xác cái
bản chất gây khổ của các phiền não thì ta cũng dần dần giải quyết được chúng. Nhưng
đến đây, thì chúng ta lại phải trả lời một câu hỏi khác: tại sao tất cả chúng
ta vẫn biết các phiền não là cội nguồn của đau khổ mà vẫn tiếp tục ôm giữ nó?
Câu trả lời cũng đơn giản thôi: Nói thì dễ mà làm thì mới
khó. Nhưng chẳng sao hết, vì những thời pháp thoại sẽ giúp đỡ chúng ta các
hướng dẫn và nâng bước cho chúng ta vào đường tu. Cho dầu hành trình đó có gian
khổ đến mấy nhưng trong từng phút giây nổ lực đưa mình ra khỏi những ràng buộc
của nội tâm thì chúng ta cũng đã là những Phật tử đúng nghĩa rồi .
Mấy ngày qua, trời không có mưa. Đi kinh hành khắp rừng
thiền, tôi cứ thấy như cây cối ở đây đang dần dần muốn chết khô. Nhưng hôm nay
trời đã mưa trở lại. Các vị có thấy không, lũ ếch nhái cứ nhảy tới lui và kêu
vang như hạnh phúc lắm vậy. Trong rừng thiền này có mấy vũng nước cạn cho bọn
chúng tha hồ rong chơi và rất có thể ngay trong lúc này chúng chỉ đơn giản tin
tưởng rằng mấy vũng nước đó sẽ mãi mãi đầy tràn mà đâu hề biết là chỉ nay mai
thôi, khi trời không còn mưa nữa, những ngày nắng sẽ kéo dài và chúng rất có
thể sẽ bị chết đi khi mấy vũng nước kia bắt đầu khô nứt.
Cuộc đời của chúng ta đâu có khác gì lũ ếch nhái đó. Khi
những điều kiện sống thoải mái chưa bị xâm phạm thì ai cũng có thể thấy mình
tràn trề hạnh phúc. Rồi đến lúc mọi sự đổi thay, thì chắc chắn nếp sống của
chúng ta cũng bị thay đổi theo. Chúng ta có hiểu là từng người trên thế giới
này phải luôn sống lệ thuộc vào thiên nhiên nhưng có mấy ai đã nhận ra điều đó.
Hầu hết chúng ta cũng giống như đám ếch nhái bé nhỏ kia thôi. Tâm sinh lý của
con người cũng là một phần trong tạo hóa thiên nhiên. Chúng ta đi ngược lại với
thiên nhiên cũng có nghĩa là chúng ta đang tự hủy diệt chính mình. Chúng ta
không ai có thể sống chối bỏ qui luật thiên nhiên mà ngược lại phải biết sống
hài hòa với nó. Chống lại thiên nhiên là đồng nghĩa với tự sát .
Đến đây thì tôi xin kết thúc thời pháp thoại. Tôi hy vọng
rằng một số điều tôi đã đề cập có thể được quí vị ứng dụng. Hay ít nhất các vị
cũng có thể lấy đó làm một đề tài để trở về tự kiểm nghiệm rồi nếu được, áp
dụng chúng vào cuộc tu của bản thân bằng chính trí tuệ của mình./.
(Trích "Họ đã nghĩ như thế", Tỳ kheo Giác Nguyên
dịch, Pháp Luân, Hoa Kỳ, xuất bản)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét